SỨC KHỎE

Bệnh văn phòng là gì? Dân văn phòng có thực sự nhàn hạ?

Bệnh văn phòng là gì? Đâu là những căn bệnh dân văn phòng thường mắc phải? Hiểu được điều này, các bạn chắc chắn sẽ có một cách nhìn khác đối với những “nhân viên bàn giấy” vẫn thường bị định kiến là “việc nhẹ lương cao”.

Nội Dung Chính

Bệnh văn phòng là gì?

benh-van-phong-2
Dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Có không ít quan điểm mặc định dân văn phòng là những người nhàn hạ, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, thậm chí mỉa mai khi thấy họ tỏ ra mệt mỏi. Rõ ràng, cần phải nhìn nhận lại vấn đề một cách chính xác và công bằng hơn, bởi những người tưởng chừng như rất nhàn hạ đó lại đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mà những mối đe dọa đó được gọi chung là “bệnh văn phòng”.

Nói một cách dễ hiểu thì bệnh văn phòng không phải là một bệnh lý cụ thể, mà nó là một thuật ngữ chỉ những bệnh dân văn phòng thường mắc phải. Chủ yếu liên quan tới môi trường, điều kiện làm việc.

Các bệnh dân văn phòng hay gặp

1. Đau cột sống – Bệnh văn phòng điển hình

Hầu hết dân văn phòng đều bị đau cột sống ở mức độ khác nhau. Biểu hiện rõ rệt nhất là đau thắt lưng, nhức mỏi xương khớp. Tình trạng này kéo dài nếu không có biện pháp chữa trị thì có thể làm chùn cột sống, dẫn tới nguy cơ thoái hóa cột sống khi về già. 

Nguyên nhân rất dễ hiểu, nó liên quan tới tính chất đặc thù của công việc là phải ngồi một chỗ suốt nhiều tiếng đồng hồ. Đặc biệt, khi kích thước bàn ghế không phù hợp với vóc dáng hoặc ngồi sai tư thế thì chứng đau cột sống càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc ngồi trong văn phòng, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng được cho là yếu tố khiến xương trở nên giòn, xốp hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương, kèm theo một số bệnh lý liên quan như thoái hóa đốt sống cổ, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm…

benh-van-phong
Hầu hết dân văn phòng đều bị đau cột sống

Giải pháp để hạn chế tình trạng này là chọn bàn ghế có kích thước tiêu chuẩn, hợp với dáng người, làm sao tạo cảm giác thoải mái nhất khi ngồi làm việc. Đồng thời điều chỉnh tư thế ngồi đúng, không xiêu vẹo. Nên tính toán giờ nghỉ giải lao hợp lý, dành thời gian đi lại, vận động hay tập một số bài thể dục tại chỗ, tránh làm việc liên tục trong thời gian dài.

2. Các bệnh về mắt

Khi làm việc quá nhiều với máy tính và các loại giấy tờ, sổ sách thì mắc các bệnh về mắt là điều rất dễ hiểu. Trong đó, mỏi mắt và khô mắt là 2 triệu chứng phổ biến nhất ở dân văn phòng. Lâu ngày có thể gây nên các chứng cận thị, loạn thị, làm suy giảm thị lực.

Để hạn chế bệnh về mắt, dân văn phòng nên chú ý để bàn làm việc ở nơi thông thoáng, đủ sáng, nếu có điều kiện thì tận dụng ánh sáng tự nhiên. Đồng thời chịu khó chớp mắt liên tục, sau 15 phút làm việc thì nhìn cây xanh hoặc nhìn ra xa khoảng 20-30 giây cho mắt được nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu cần thiết, có thể sử dụng thêm các loại dung dịch nhỏ mắt phù hợp nữa nhé.

3. Đau xương khớp

Làm việc liên tục bằng máy tính là nguyên nhân chính khiến dân văn phòng thường mắc các chứng đau xương khớp. Ngoài đau cột sống thẳng lưng thì phổ biến nhất là đau khớp vai phải, đau cổ tay (do dùng chuột máy tính) và đau đốt sống cổ ở gáy do phải cúi nhìn màn hình.

Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, song tình trạng này sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt, làm giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Về lâu dài nó có thể dẫn tới những tổn thương mạch máu, dây thần kinh, thậm chí dẫn tới tàn tật.

Điều chỉnh tư thế ngồi, độ cao của màn hình, cách cầm chuột và gõ phím sẽ giúp hạn chế phần nào chứng đau xương khớp. Ngoài ra, dân văn phòng cũng cần dành thời gian tập luyện các môn thể thao, thể hình để xương khớp chắc khỏe, nâng cao chức năng vận động.

4. Stress

benh-van-phong-3
Stress kéo dài sẽ dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn

Quá trình căng thẳng thần kinh mãn tính kéo dài do cường độ và áp lực công việc cao có thể gây nên stress. Hậu quả mà bệnh nhân phải hứng chịu sẽ là rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, mất tập trung, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, đau nửa đầu, viêm loét dạ dày, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tiểu đường…

Hãy cố gắng giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều. Bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi cân bằng. Không nên tạo quá nhiều áp lực cho bản thân và khi có vấn đề gì thì nên chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp để giải tỏa bớt căng thẳng nhé.

5. Các bệnh về đường tiêu hóa

Nghe có vẻ không liên quan, song thực tế thì phần lớn dân văn phòng đều mắc các chứng bệnh liên quan tới đường tiêu hóa. Nguyên nhân được cho là do áp lực công việc và tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử gây rối loạn giấc ngủ, ăn uống không điều độ, căng thẳng tinh thần, dẫn tới bệnh đau dạ dày mãn tính.

Ngoài ra, nhiều người còn phải đi tiếp khách, thường xuyên tham gia tiệc tùng, ăn nhiều chất đạm và uống nhiều rượu bia… Tất cả đều ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Thậm chí về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh gout.

Mặc dù rất khó, song hãy cố gắng thực hiện “ăn đúng giờ – ngủ đủ giấc”, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, thức ăn nhanh và giữ cho tinh thần luôn thoải mái, ổn định.

6. Béo phì

Ngồi nhiều, ít vận động, cộng thêm việc thiếu ngủ, căng thẳng và ăn uống không điều độ… chính là loạt nguyên nhân cộng hưởng gây nên tình trạng béo phì.

Trong số bệnh thường gặp ở dân văn phòng thì béo phì chính là nỗi lo hàng đầu đối với nữ giới. Bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới vóc dáng, sự tự tin của chị em. Trên thực tế, thì tính thẩm mỹ chỉ là vấn đề quá nhỏ so với những nguy cơ ẩn sau căn bệnh béo phì.

Nghiên cứu cho thấy, béo phì là nguyên nhân khởi nguồn của nhiều căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường… Và những căn bệnh này tất nhiên không phân biệt giới tính nam hay nữ.

Do đó, dân văn phòng cần chú ý xây dựng lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh và khoa học, chịu khó tập thể dục, chơi thể thao để hạn chế sự tích tụ mỡ thừa nhé.

Trên đây chỉ là một số bệnh văn phòng phổ biến nhất và nếu liệt kê đầy đủ, chi tiết tất cả các bệnh mà những “nhân viên bàn giấy” phải đối mặt thì chắc chắn sẽ không thể dừng lại trong phạm vi 1 bài viết. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ để chúng ta hiểu hơn nỗi khó khăn, vất vả của dân văn phòng và trân trọng những đóng góp của họ như mọi ngành nghề khác rồi đúng không nào!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *