KHÁM PHÁ

Ý nghĩa Tam Tòa Thánh Mẫu – Đạo Mẫu Việt Nam

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ có bốn vị Thánh Mẫu cai quản các miền Trời – Đất – Rừng – Nước. Nhưng chúng ta lại thường nghe thấy khái niệm “Tam tòa Thánh Mẫu”, bởi ở hầu khắp các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, ở cung thờ Thánh Mẫu thường có tôn tượng của “Tam tòa Thánh Mẫu” với các sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ) và miền Nước (Thoải phủ).

Ý nghĩa Tam Tòa Thánh Mẫu - Đạo Mẫu Việt Nam
Ý nghĩa Tam Tòa Thánh Mẫu – Đạo Mẫu Việt Nam

Trong các tín ngưỡng thực hành ở Việt Nam, Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng nội sinh mang bản sắc Việt. Trải qua bao thăng trầm có lúc bị cấm, nhưng vẫn âm thầm được gìn giữ và thực hành.

Trong tâm thức dân gian, nói đến Tín ngưỡng  đơn giản là nói đến hình ảnh người mẹ – vừa bao la, hùng vĩ, bao trọn vũ trụ càn khôn với Trời, Đất, Nước, Rừng bởi Người Mẹ chính là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, trái tim nhân hậu và cốt cách Việt Nam.

Nội Dung Chính

Ý nghĩa Tam Tòa Thánh Mẫu trong Đạo Mẫu Việt Nam

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ có bốn vị Thánh Mẫu cai quản các miền Trời – Đất – Rừng – Nước. Nhưng chúng ta lại thường nghe thấy khái niệm “Tam tòa Thánh Mẫu”, bởi ở hầu khắp các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, ở cung thờ Thánh Mẫu thường có tôn tượng của “Tam tòa Thánh Mẫu” với các sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ) và miền Nước (Thoải phủ).

Hiện nay, tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau lý giải việc này, như giả thuyết “thiên – địa đồng quy”, nên không có sự xuất hiện của Mẫu Điạ trong tam tòa Thánh Mẫu. Giả thuyết Mẫu Địa và Mẫu Thượng Ngàn là một vì miền Rừng cũng thuộc miền Đất. Giả thuyết Mẫu Thượng Ngàn được đưa vào sau trong Tứ Phủ Thánh Mẫu và Ngài chính ngự ở Động/Cung Sơn Trang…

Tuy nhiên, trên cơ sở khảo cứu các huyền tích và các bản văn chầu, khoa cúng còn lưu truyền và nhiều dạng tư liệu khác, có thể thấy rằng, trong thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ có bốn vị Thánh Mẫu, đó là Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Thần chủ, Thánh Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Màu sắc trang phục của các vị thường được có sự phân biệt theo từng phủ mà ngài cai quản, tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ.

Thánh Mẫu Cửu Trùng

“Cửu Trùng ngự chín tầng mây

Quản cai các bộ tiên nay thượng đình”

(Trích Văn Công đồng)

Thánh Mẫu Cửu Trùng hay Cửu Trùng Thiên Thanh Vân Công chúa. Đền thờ đến nay được biết đến là đền Mẫu Cửu và đền Sở ở thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Tại các đền, điện thờ Tứ phủ, có nơi thờ Ngài ở chính cung, có nơi thờ ở ban trung niên (giữa trời) để thập phương vọng bái.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Thánh Mẫu Cửu Trùng là một sự sao chép Đạo giáo Trung Hoa vào Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, và đồng nhất Thánh Mẫu với một vị nữ thần trong Đạo giáo. Tuy nhiên, từ các bản văn chầu, khoa cúng còn lưu truyền, có thể thấy hình ảnh Thánh Mẫu Cửu Trùng rất quan trọng trong thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ từ xa xưa, Ngài là vị Thánh Mẫu ngự trên chín tầng mây cao, cai quản chốn tiên cung thượng giới.

Thánh Mẫu Thần Chủ

Đền Sòng Sơn thờ Đức Địa Thiên Thánh Mẫu

Ngoài Phủ Dầy là dấu tiên hương

(Trích Văn Công đồng)

Thánh Mẫu Thần Chủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Mặc dù, sự xuất hiện của Thánh mẫu trong lịch sử khá muộn, khoảng thế kỷ XV, nhưng ngay khi xuất hiện lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống thần điện, cũng như đối với niềm tin dân gian về Tín ngưỡng.

Theo huyền tích, Thánh Mẫu nguyên là Đệ nhị Tiên cung (Công cháu con Vua Cha Ngọc Hoàng), có ba lần giáng sinh nơi trần gian gắn liền với hai địa danh ở Nam Định là Phủ Nấp và Phủ Dầy; Phủ Mỗ ở Thanh Hóa.

Trong cuộc sống trần thế, Thánh Mẫu cũng có cha, mẹ, chồng, con. Các tích về Thánh Mẫu đều là những câu chuyện hết sức cảm động về lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, là biểu tượng của sự hướng thiện. Khi Ngài hiển Thánh, hóa thần lại bảo hộ cuộc sống an lành, ấm no cho những người dân lương thiện và đấu tranh không khoan nhượng với kẻ ác, với thói hư tật xấu của con người.

Trải qua lịch sử, ghi nhớ công ơn giúp dân giúp nước, các triều đại phong kiến và nhân dân tôn vinh là Mẫu Nghi Thiên Hạ, là một trong “tứ bất tử” của nước Nam ta.

Từ những huyền tích thu phục lòng người về hành trạng “tam thế giáng sinh”, về quyền năng, phẩm cách và tấm lòng bao la của Thánh Mẫu được lưu truyền trong dân gian, từ hệ thống đồ sộ các sắc phong công tích của Ngài qua các triều đại phong kiến Việt Nam, và điều quan trọng nhất là từ niềm tin linh thiêng, sự sùng bái mãnh liệt không gì có thể làm lụi tắt của nhân gian đối với Ngài trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử cho tới tận ngày nay, Thánh Mẫu đã trở thành vị Thần chủ tối linh trong thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, đồng thời, là trung tâm tối thượng của niềm tin dân gian về Tín ngưỡng.

Ở tất cả các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nay đều có cung/ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu (trong đó có Thánh Mẫu Thần chủ), hoặc cung/ban riêng thờ Thánh Mẫu Thần chủ. Nơ thờ riêng Ngài cũng có nhiều, tuy nhiên, quan trọng nhất là các di tích gắn liền với truyền thuyết “tam ghế giáng sinh”của ngài là:

  • Lần giáng sinh thứ nhất: Phủ Quảng Cung(phủ Nấp), xã Yên Đồng và các di tích lân cận thuộc huyện Ý Yên, Nam Định.
  • Lần giáng sinh thứ hai: Quần thể di tích PHủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định.
  • Lần giáng sinh thứ ba: Tây Mỗ Linh Từ (phủ Mỗ), làng Tây Mỗ, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Và các nơi Thánh Mẫu từng hiển linh, như: đền Sòng Sơn (Thanh Hóa); đền Phố Cát (Thanh Hóa); phủ Đồi Ngang (Ninh Bình); đền Dâu (Ninh Bình); đền Mẫu (Quảng Bình); Phủ Tây Hồ (Hà Nội)….

Thánh Mẫu Thoải Cung

“Thỉnh mời Đức Đệ Tam Chúa Tiên

Long Tinh Thần Nữ ngự đền Thoải cung”

(Trích Văn công đồng)

Thánh Mẫu Thoải cung hay còn gọi là Mẫu Thoải, là Thánh Mẫu Đệ Tam trị vì vùng sông nước. Chữ “Thoải” chính là đọc chệnh đi của chữ “thủy”. Trong dân gian cho đến nay còn lưu truyền nhiều huyền thoại, thần tích về ngài.

Tương truyền Ngài là Xích Lân công chúa, con cái Vua cha Thủy Quốc Động Đình, nên duyên với Kinh Xuyên vốn dòng dõi thế phiệt chốn thủy cung. Mẫu một lòng giữ đạo cương thường, nhưng Kinh Xuyên nghe lời vợ hai gieo oan cho Mẫu không giữ lòng chung thủy nên bị đày lên chốn rừng sâu. Trong lòng chất chứa nỗi hàm oan, Mẫu được muôn loài dã thú yêu mến, hằng ngày dâng tiến hoa quả. Một hôm, nho sinh Liễu nghị trên đường trở về sau kỳ ứng thí, qua chốn rừng sâu gặp được người tiên, cảm thương nỗi niềm đã nhận lời chuyển giúp lá thư cho Vua Cha. Mẫu được giải oan, trở về chốn Long cung.

Còn nhiều quan niệm dân gian khác nhau, nhiều huyền tích về những lần Mẫu hiển linh giúp dân, giúp nước đặc biệt ở triều Trần, Lê được truyền tụng trong dân gian và được ghi nhận qua các đạo sắc phong của triều đình phong kiến.

Trong các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Mẫu thoải thường được thờ ở cung/ban Tam tòa Thánh mẫu hoặc ở cung/ban riêng, Ngài ngự trang phục màu trắng.

Các đền thờ chính của Mẫu Thoải hiện nay đều gắn liền với các lần ngài hiển linh giúp nước, như: Xâm Dương Linh (đền Dầm) ở Thường Tín, Hà Nội; đền Mẫu Hàn Sơn ở Thanh Hóa…

Thánh Mẫu Thượng Ngàn

“Quản cai sơn thủy đại giang

Đông Cuông Tuần Quán Đức Thượng Ngàn anh linh”

(Trích Văn Công Đồng)

Thánh Mẫu Thượng Ngàn là vị Thánh mẫu quản cai Nhạc phủ (miền rừng núi). Huyền tích về Ngài lưu truyền trong dân gian có nhiều điểm khác nhau, gắn với các địa danh: Đông Cuông, Tam Đảo, Suối MỠ, Bắc Lệ.

Ở vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn dân gian tin rằng Thánh Mẫu Thượng Ngàn là Công chúa La Bình, con của Đức Thánh Tản Viên và Mỵ Nương công chúa, cháu ngoại vua Hùng. Nàng là cô gái tuyệt sắc, có nhiều tài nghệ, thường chu du khắp núi rừng, hang động cùng cha. Đi tới đâu, công chúa cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với cỏ cây muông thú. Các vị thần khắp núi non đều yêu quý nàng. Dân làng trong vùng vì thế mà có cuộc sống yên ổn, ấm non. Ngọc Hoàng biết được điều này đã khen ngợi, phong Công chúa là Thượng Ngàn công chúa, cai quản tám mưới một cửa rừng chốn Nam Giao.

Mẫu Thượng Ngàn đã nhiều lần âm phù giúp vua Lê Thái Tổ tránh được hiểm nguy trong cuộc kháng chiến chồng quân Minh thế kỷ XV.

Ở vùng suối Mỡ, Bắc Giang lại lưu truyền huyền tích Thánh mẫu là Công chúa Mỵ Nương Quế Hoa, con Hùng Định Vương và Hoàng Hậu An Nương. Nàng được 1 vị tien trao cho phép thần thông, lại ngày đêm rèn luyện giúp dân. Nơi đây, người dân địa phương lập đền phụng thờ, còn các triều đại thì sắc phong Công chúa là Mẫu Thượng Ngàn. Đó chính là đền Suối Mỡ, tỉnh Bắc Giang, hằng năm mở hội vào ngày 1 tháng Tư âm lịch.

Ngoài ra, còn có các dị bản khác về Thánh Mẫu Thượng Ngàn gắn với địa danh đền Bà Chúa Thượng Ngàn thuộc Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Theo đó, Ngài là con gái của Quốc Mẫu Âu Cơ….

Mặc dù có sự khác biệt, nhưng trong tâm thức dân gian đều tin Thánh Mẫu Thượng Ngàn là vị Thánh Mẫu tối linh cai quản Nhạc phủ, thường âm phù hộ quốc, an dân.

Nguồn: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực

(Còn tiếp)

Shizuka

Shizuka xin chào các độc giả của Ambeaty! Hy vọng những thông tin mà Shizuka lượm nhặt để gửi tới bạn đọc sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng mong nhận được các góp ý của bạn đọc dành cho các nội dung Shizuka update trên trang web.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *