TIN TỨC

Điểm nhanh những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam và Thế giới trong năm 2020

Điểm nhanh những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam và Thế giới trong năm 2020

Những sự kiện kinh tế nổi bật trên Thế giới trong năm 2020

1. Đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế thế giới

Năm 2020, kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản của doanh nghiệp khắp thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bán lẻ…

Các nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD cùng biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ nền kinh tế. GDP toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020 theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu dự báo sẽ còn dai dẳng.

2. RCEP tạo ra Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết sau 8 năm đàm phán.RCEP đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Việc ký kết RCEP được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.

3. Làn sóng dịch chuyển đầu tư được đẩy nhanh

Đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn và một số chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ô tô, thiết bị y tế… bị đứt gãy. Trước tình hình này, các nước đã đa dạng hóa đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh nội địa hóa và khu vực hóa nhằm ngăn chặn rủi ro, đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng.

Dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung được ví như “chất xúc tác” đẩy nhanh xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác hoặc đưa về trong nước để khai thác lợi thế về chi phí, lao động hay dịch vụ hậu cần. Ngân hàng Bank of America ước tính chi phí cho việc các công ty Mỹ và châu Âu chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc có thể lên tới 1.000 tỷ USD trong 5 năm.

4. Khủng hoảng trên thị trường lao động thế giới

Đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động trên toàn thế giới và gây tổn thất lớn về thu nhập lao động trong năm 2020. Báo cáo “COVID-19 và thế giới việc làm” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năm 2020 có tới 81 triệu lao động ở châu Á – Thái Bình Dương và 30 triệu lao động ở Mỹ Latinh mất việc làm. Chỉ trong ba quý đầu của năm 2020, thu nhập của người lao động giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD.

Khủng hoảng trên thị trường lao động và việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về nghèo đói và những bất ổn về kinh tế – xã hội.

sự kiện kinh tế nổi bật 2020 (2)
Những sự kiện kinh tế nổi bật 2020

5. Xu hướng giảm lãi suất về gần 0% trên toàn cầu

Trong năm 2020, để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có do tác động của dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, ngân hàng trung ương tại 60% nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy chính sách lãi suất xuống dưới 1%, trong đó nhiều nền kinh tế thậm chí áp dụng lãi suất âm.

Chỉ riêng trong tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hai lần hạ lãi suất khẩn cấp. Các ngân hàng trung ương châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia… cũng hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Bất chấp những nỗ lực cắt giảm lãi suất và áp dụng các chính sách tiền tệ bất thường, lạm phát vẫn ở mức thấp. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào “bẫy thanh khoản” khi mà chính sách tiền tệ có ít hiệu quả.

6. Vương quốc Anh rời EU

Kể từ 23 giờ ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31/12/2020. Cuộc “chia tay” sau 47 năm gắn bó trong “ngôi nhà chung” EU được dự báo sẽ làm thay đổi những mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh với các nước ở mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, an ninh…

Sau khi rời EU, Anh đã thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại tự do (FTA) để tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại. Nền kinh tế này đã có được FTA đầu tiên thời hậu Brexit với Nhật Bản, ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Canada, ký FTA với Singapore và Việt Nam, đồng thời ký thỏa thuận nhằm bảo đảm tính liên tục của trao đổi thương mại song phương với Mexico.

7. Các tập đoàn công nghệ số đối mặt với áp lực thuế xuyên biên giới

Kế hoạch đa phương về đánh thuế xuyên biên giới các doanh nghiệp công nghệ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thúc đẩy có thể khiến các doanh nghiệp kỹ thuật số như Google, Amazon và Facebook phải nộp tới 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Pháp bắt đầu áp thuế 3% đối với các công ty công nghệ có doanh thu hơn 750 triệu euro toàn cầu và 25 triệu euro tại nước này, trong khi Indonesia theo đuổi kế hoạch đánh thuế các hãng công nghệ dựa trên doanh thu trong nước.

Các nước OECD chưa đạt được đồng thuận cho kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ nhằm chấm dứt tình trạng các công ty đa quốc gia kinh doanh trực tuyến tại nhiều quốc gia nhưng lại ghi nhận phần lớn lợi nhuận tại những quốc gia có mức thuế thấp.

8. Thị trường biến động mạnh chưa từng có

Năm 2020, các thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu đã ghi nhận những phiên giao dịch đi vào lịch sử, khi dịch COVID-19 cùng các biện pháp phong tỏa và những bất đồng xung quanh các gói hỗ trợ kinh tế của các nước đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhu cầu cũng như tâm lý của giới đầu tư.

Giá vàng thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá dầu thô WTI xuống mức thấp chưa từng có là âm 40 USD/thùng. Chứng khoán Mỹ tháng 3/2020 có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, khiến chế độ “ngắt tự động” được kích hoạt… Đặc biệt giá vật tư y tế toàn cầu cũng bị đẩy lên cao, nhất là khẩu trang và vaccine.

9. Thương mại điện tử “bùng nổ”

Doanh thu thương mại điện tử toàn cầu dự báo đạt 3.900 tỷ USD trong năm 2020, trong đó riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 2.450 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu thị trường Statista. Do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, nhiều khách hàng thay đổi cách mua sắm. Các nhà bán lẻ và chuỗi cung ứng nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng các công cụ tài chính số hóa để thích ứng, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.

Chỉ riêng đợt mua sắm dịp Lễ Độc thân 11/11, hai tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba và JD.com đã đạt doanh thu kỷ lục 115 tỷ USD, doanh thu trong dịp mua sắm ngày Black Friday của Mỹ cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 9 tỷ USD, doanh thu ngày Cyber Monday đạt 10,8 tỷ USD.

10. Ngành hàng không thế giới điêu đứng vì COVID-19

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biện pháp hạn chế đi lại do các chính phủ áp đặt để giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, năm 2020 lưu lượng đi lại giảm khoảng 66% và doanh thu của các hãng hàng không giảm khoảng 50%, xuống còn 419 tỷ USD.

Nhiều hãng hàng không bị phá sản hoặc thu hẹp quy mô khi phải ngừng nhiều đường bay, tuyến bay hoặc bán bớt máy bay, cho nhân viên nghỉ việc tạm thời, cắt giảm tiền lương… Dù đã nhận được khoản cứu trợ lên tới 160 tỷ USD, song IATA ước tính ngành hàng không cần thêm khoản viện trợ 70-80 tỷ USD.

Những sự kiện kinh tế nổi bật tại Việt Nam trong năm 2020

sự kiện kinh tế nổi bật 2020 (1)
Những sự kiện kinh tế nổi bật 2020 

1. GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng

Năm 2020, trong khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP), dự kiến đạt 2.5-3%.
Thành công này có được nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính Phủ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

2. Việt Nam trở thành sáng lập viên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
RECP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay với tổng GDP là 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

3. Thiên tai gây thiệt hại lớn trên nhiều vùng miền

Lũ lụt miền Trung là đợt lũ lịch sử với mức báo động IV, cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam. Chỉ trong tháng 10 và tháng 11/2020 có tới 7 con bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, trong đó có bão số 9 là con bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Trong năm, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 38.400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão lũ là 31.700 tủy đồng

4. Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”

Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

5. Xuất siêu đạt mức kỷ lục

Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao, đưa xuất siêu đạt mức kỷ lục với con số ước tính 20 tỷ USD.

Năm 2020, Việt Nam có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

6. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ

Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, dự kiến đạt trên 90% kế hoạch, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết tâm từ cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi, tạo ra những kỷ lục trong thực hiện dự án đầu tư công.

7. Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ nền kinh tế

Năm 2020, lần đầu tiên chỉ trong vòng 1 năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất điều hành đã giảm từ 1,5-2,0%/năm; trần lãi suất tiền gửi giảm từ 0,6-1,0%/năm; trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm…

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID-19.

8. Số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh

Đại dịch COVID-19 được coi là thách thức lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2020 có 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào khu vực doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, ăn uống, bất động sản, dịch vụ môi giới, logistics, sản xuất nhỏ lẻ, vận tải nhỏ…

Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, khiến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ) không đạt được.

9. Thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng

Sau 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành (28/7/2000 – 28/7/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tính đến 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101,33% GDP, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.

10. Hàng không và du lịch thua lỗ nặng nề

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530.000 tỷ đồng./.

(Tổng hợp)

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *