LÀM ĐẸP

Trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền có thực sự hiệu quả?

Bên cạnh việc sử dụng các loại mỹ phẩm, thuốc kháng sinh… thì trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền cũng là một phương án được khá nhiều người lựa chọn.

Nội Dung Chính

Đông y nhận định thế nào về mụn trứng cá

Là một bệnh ngoài da đứng thứ 8 trong danh sách các bệnh phổ biến nhất trên thế giới, mụn trứng cá ảnh hưởng tới 9,4% dân số toàn cầu. Những tác động về mặt thẩm mỹ sẽ kéo theo các vấn đề khác về tâm sinh lý, khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đi xuống rõ rệt. Đó là lý do tại sao việc trị mụn trứng cá lại nhận được nhiều sự quan tâm đến thế.

tri-mun-trung-ca-bang-y-hoc-co-truyen3
Mụn trứng cá trong y học cổ truyền được chia làm 3 thể

Trong Đông Y, trứng cá có bệnh danh là Tòa sang, Phấn thích và tổn thương của mụn trứng cá là tổn thương dạng chẩn. Bệnh thường phát ở độ tuổi dậy thì và thanh niên nên còn được gọi là “thanh xuân đậu”. Mụn trứng cá phần lớn xuất hiện trên mặt, đôi khi có ở ngực, lưng, vai, gáy. Có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm. Khi khỏi có thể để lại sẹo lõm, sẹo lỗi, sẹo thêm, hoặc cũng có thể không để lại sẹo.

Y học cổ truyền nhận định, mụn trứng cá phần lớn do phong nhiệt nung nấu, kết tụ ở kinh phế sinh ra, hoặc do tỳ vận hóa kém, sinh ra thấp nhiệt, hoặc do ăn quá nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh ra thấp nhiệt, tích tụ tại bì phu, cân cơ.

Do đó, việc điều trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền cũng tập trung giải quyết theo những nguyên nhân này. Chủ yếu là thanh nhiệt và tiêu độc.

Trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, mụn trứng cá được chia thành 3 thể, gồm tỳ hư, trường vị thấp nhiệt và phế kinh phong nhiệt. Cách điều trị ở từng thể cũng sẽ khác nhau:

1. Trị mụn trứng cá thể phế kinh phong nhiệt

– Triệu chứng điển hình: Mụn trứng cá nóng, đỏ, có thể sưng đau, kèm theo ngứa, có mụn mủ, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch phù sác.

– Cách điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên phế. Cụ thể có thể dùng phương thuốc “Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm”.

Cụ thể, lấy 12g nhân sâm, 12g tỳ bà diệp, 12g tang bạch bì, 6g hoàng bá, 6g hoàng liên, 6g cam thảo, sắc lấy nước thuốc uống hàng ngày.

2. Trị mụn thể trường vị thấp nhiệt

– Triệu chứng: Bì phu trơn nhờn, phấn thích đỏ sưng, nổi sẩn, có mụn mủ kèm theo một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa, như táo bón, tiểu vàng đậm, chán ăn, bụng đầy. Rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch hoạt sác.

– Cách điều trị: Thanh nhiệt, hóa thấp, thông phủ. Có thể sử dụng bài thuốc “Nhân trần cao thang gia giảm”.

Cụ thể, lấy 30g nhân trần, 15g sinh địa, 5g xa tiền, 10g chi tử, 10g xích thược, 10g hoàng cầm, 10g hoàng bá, 4g đại hoàng, 20g ý dĩ, 20g bồ công anh, 6g cam thảo, sắc lấy nước thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

tri-mun-trung-ca-bang-y-hoc-co-truyen1
Các bài thuốc đông y trị mụn tận gốc từ bên trong

3. Trị mụn thể tỳ hư theo Đông y

– Triệu chứng: Mụn có cục hoặc bọc mủ, sắc da xám, kém tươi nhuận, bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần, kèm theo biểu hiện chán ăn, lưỡi bệu, rêu trắng, mạch nhu hoạt.

– Cách điều trị: Kiện tỳ hóa thấp. Có thể sử dụng bài thuốc “Sâm linh bạch truật tán gia giảm”.

Cụ thể, 12g nhân sâm, 12g bạch truật, 12g hoài sơn, 12g phục linh, 12g liên nhục, 12g biển đậu, 12g ý dĩ, 8g cát cánh, 6g sa nhân, 4g chích thảo, sắc lấy nước thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

4. Một số phương pháp điều trị mụn bằng y học dân gian ngoài da

– Rửa sạch lá mướp non, giã nát, chắt lấy nước cốt rồi thoa đều lên vùng da bị mụn trứng ca. Chờ dung dịch khô lại thì rửa mặt sạch bằng nước mát.

– Sắc thương nhĩ thảo và béo cái tía (mỗi loại 15g), lấy nước thuốc rửa mặt 2 lần/ngày vào sáng và tối trước khi đi ngủ trong 10 ngày liên tiếp.

– Sắc 30g bồ kết với 100ml giấm gạo thành nước đặc thì dùng bông tăm y tế thấm nước thuốc chấm lên mụn trứng cá mỗi ngày 2-3 lần. Cách này dùng cho mụn trứng cá bọc và cũng có thể chữa mụn nước lở ngứa hiệu quả.

– Đun sôi bạc hà, sả, hoắc hương, ngải diệp, trần bì… rồi xông mặt. Nhiệt và hơi nước sẽ làm các lỗ chân lông và hệ thống mao mạch giãn ra, thúc đẩy quá trình hấp thu thuốc tại chỗ.

Trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền có hiệu quả không?

Nhiều chuyên gia khẳng định, trong khi y học hiện đại chủ yếu sử dụng kháng sinh và các thuốc bôi ngoài da để điều trị triệu chứng, thì Đông y lại tập trung điều trị tận gốc rễ, căn nguyên gây ra mụn. Do đó, mặc dù vẫn có một số tranh cãi, song chữa mụn trứng cá bằng y học cổ truyền đã được áp dụng từ xa xưa và cho thấy công hiệu thực tế.

Tất nhiên, dùng đông y để trị mụn cũng sẽ có hạn chế. Đó là công đoạn sắc thuốc khá kỳ công và phải tốn nhiều thời gian mới thu được kết quả. Bù lại, phương pháp này sẽ cho hiệu quả lâu dài hơn so với dùng kháng sinh hay thuốc, kem bôi ngoài da.

Để việc trị mụn bằng Y học cổ truyền phát huy được tác dụng tốt nhất thì bệnh nhân còn cần kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.

Lưu ý, những thông tin và bài thuốc được chia sẻ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi tình trạng của mỗi người khác nhau thì lượng thuốc và cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Do đó, các bạn cần đến gặp thầy thuốc để được khám và điều trị một cách an toàn, hiệu quả./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *