KHÁM PHÁ

Tứ phủ Chầu Bà trong Đạo Mẫu bao gồm những ai?

Tứ phủ Chầu Bà, hay Tứ phủ Thánh Mẫu là các vị thánh nữ thay quyền Thánh Mẫu cai quản khắp bốn phủ. Hiện nay, trong hệ thống thờ tự của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ chưa có sự thống nhất về số lượng các vị Thánh Chầu. Tuy nhiên, về cơ bản các vị hiện diện khắp bốn phủ: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ nên gọi là Tứ phủ Chầu Bà. Còn về trang phục, trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng các Thánh Chầu thường ngự màu áo khác nhau theo từng phủ.

Nội Dung Chính

Tứ phủ Chầu Bà trong Đạo Mẫu bao gồm những ai?

Chầu Đệ Nhất

“Sớm hôm mai vui vẻ đền rồng

Ngày chơi phủ tía lầu hồng Chầu Đệ Nhất vào ra

Khăng khăng giữ sổ tam tòa

Lên đền chầu Chúa Liễu Hoa cầm quyền”

(Trích Văn Chầu Đệ Nhất)

Tứ phủ Chầu Bà trong Đạo Mẫu
Tứ phủ Chầu Bà trong Đạo Mẫu

Chầu Đệ Nhất hay còn được gọi là Chầu Bà Đệ Nhất Thượng Thiên. Trong dân gian có quan niệm Chầu là Quế Hoa Công chúa cận kề bên Thánh Mẫu Thần phủ và Chầu cai quản Thượng Thiên (miền Trời). Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Chầu ngự áo màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ. Tuy nhiên, Chầu rất ít khi giáng đồng.

Đền, điện, phủ chính thờ Chầu Đệ Nhất hiện nay còn chưa rõ, tuy nhiên, vì Thánh Chầu gần gũi Thánh Mẫu Thần chủ nên ở những nơ chính thờ Thánh Mẫu, có nơi cũng thờ Chầu.

Theo quan niệm đó, Chầu Đệ Nhất là Chầu Bà Phủ đền tại PHủ Dầy, được Thánh Mẫu giao quyền giữ sổ tam tòa, cầm cân định tội phúc của người thế gian.

Chầu Đệ Nhị

Chầu Đệ Nhị hay Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tương truyền là Chầu Bà Khâm sai của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Chầu ngự áo màu xanh lá cây (tượng trưng cho Nhạc phủ) và chít khăn buồm. Chầu Bà là vị Thánh Chầu thường xuyên ngự đồng ban tài, tiếp lộc cho đệ tử. Khi có đàn đàn, Chầu Bà về chứng tòa sơn trang, chứng mâm giầu (trầu) trình, có khi sang khăn sẻ bóng cho tân đồng trong lễ mở phủ.

Đền Đồng Đuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được coi là nơi chính thờ Chầu  Đệ Nhị Thượng Ngàn. Ngày hội đền là vào ngày Mão đầu tháng Giêng và ngày Mão đầu tháng Chín (âm lịch) hằng năm.

Chầu Đệ Tam

Chầu Đệ Tam là khâm sai của Thánh Mẫu Thoải cung, Ngài ngự trang phục màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ. Tương truyền, Thánh Chầu thường cứu bệnh cho nhân gian và độ thương cho người gia cảnh trái ngang.

Trong dân gian, quan niệm về ngài chịu ảnh hưởng từ thần tích Thánh mẫu Thoải cung, nên người ta tin rằng Chầu Đệ Tam là vị thánh có dáng vẻ u buồn.

Trong nghi lễ hầu đồng, Chầu Đệ Tam ít khi giáng đồng và cũng ít khi ngự vui. Chỉ có khi đại đàn, hay về các đền thờ Thoải phủ, thanh đồng sát căn mới kiều thỉnh Ngài. Trong đại đàn mở phủ, cũng có khi Thánh Chầu ngự về để ban diện cho tân đồng.

Vì là khâm sai của Thánh Mẫu Thoải cung, nên nơi chính thờ Thánh Mẫu cũng là thờ Chầu Đệ Tam.

Ngày tiệc Chầu là ngày 18 tháng Tư âm lịch hằng năm.

Chầu Đệ Tứ

Hay còn gọi là Chầu Đệ Tứ Khâm sai là vị Thánh Chầu thuộc Địa phủ (miền Đất) giữ quyền Khâm sai Tứ phủ, được sắc phong Chiêu Dung Công chúa, trang phục của Chầu thường là màu vàng tượng trưng cho Địa phủ. Tương truyền ngài giáng sinh ở xã An Thái, trấn Sơn Nam (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định).

Trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, Chầu Đệ Tứ không chỉ giữ quyền Khâm sai mà còn giữ sổ Tứ phủ, cai quản bản mệnh các thanh đồng (những người trực tiếp thực hành Tín ngưỡng), thường ra tay sát quỷ, trừ tà, ban tài, ban lộc cho các đệ tử.

Vì cùng quê hương và có mối quan hệ gần gũi với Thánh Mẫu Thần chủ, trong lần giáng sinh thứ hai, nên ở quần thể khu di tích Phủ Dầy có đền chính thờ Chầu Đệ Tứ. Ngoài ra còn có đền Cây Thị – đền Chầu Đệ Tứ, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày tiệc Chầu là ngày 14 tháng Ba (âm lịch) hàng năm.

Chầu Đệ Ngũ

Hay còn gọi là Chầu Năm Suối Lân, là vị Thánh Chầu cai quản vùng núi cửa rừng Suối Lân, tỉnh Lạng Sơn. Ngài ít khi giáng về trong nghi lễ hầu đồng. Tương truyền ngài là Công chúa đi tu ở miền thượng, dừng chân ở Suối Lân, ra sức giúp dân làm ăn, sau khi hóa lại hiển linh giúp dân thuần phục ma quái.

Trong thần điện và trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Chầu Đệ Ngũ thường ngự áo màu xanh thiên thanh. Đền chính thờ Chầu ở Suối Lân, Sông Hóa, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Ngày tiệc Chầu là ngày 20 tháng Năm (âm lịch) hằng năm.

Chầu Lục

Chầu Lục hay Chầu Lục Cung Nương, Chúa Lục… là vị Thánh Chầu thuộc Nhạc phủ (miền rừng). Tương truyền, Chầu vốn là người Nùng, giáng sinh vào nhà họ Trần ở Lạng Sơn. Trong thần điện và trong ngghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, Ngài ngự trang phục màu làm hoặc tím.

Trong tâm thức dân gian, Chầu Lục thường hay chấm đồng, cho thuốc chữa bệnh, cho lộc buôn bán. Khi ngự về trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng Thờ mẫu Tứ phủ, Chầu Lục thường chứng lễ, tán đàn sơn trang, sang khăn (khi mở phủ) và ban tài, phát lộc cho bách gia trăm họ.

Đền chính thờ Chầu Lục là Lục Cung Linh Từ, thôn 94 xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Chầu Bảy

“Thỉnh mời Chầu Bảy Kim Giao

Thái Nguyên, Mỏ Bạch, Chầu ra ngự đồng”

(Trích Văn Chầy Bảy)

Chầu Bảy hay Chầu Bảy Kim Giao là vị Thánh Chầu ít khi giáng đồng nhất trong Tứ phủ Chầu Bà. Tương truyền, Chầu sinh vào gia đình người dân tộc Mọi ở đất Mỏ Bạch, Thái nguyên, có công giúp hai bà trưng dẹp giặc xâm lăng, dạy người dân canh tác, làm ăn. Sau khi hóa, Chầu được giao quyền cai quản vùng núi rừng Mỏ Bạch, (tuy nhiên lại có quan niệm dân gian cho rằng, địa danh Kim Giao thường gắn với tôn hiệu của Chầu thuộc tỉnh Ninh Bình).

Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, Chầu Bảy ngự trang phục màu xanh tím hoặc màu vàng, Đền chính thờ Ngài là đền MỎ Bạch, Thanh Liên, MỎ Bạch, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày tiệc Chầu là rằm tháng Bảy (âm lịch) hằng năm.

Chầu Bát

Chầu Bát hay Tiên Chúa Bát Nàn, Bát Nàm Đông Nhung Đại Tướng quân…tương truyền khi ở trần gian có tên gọi là Vũ Thị Thục (Thục Nương). Ngài chính là nữ tướng của hai bà Trưng đã có công trong cuộc chiến đấu dẹp giặc Tô Định, vì nghĩa lớn quên thói thường nhi nữ, chăm lo cho dân, thu phục lòng người, sau hiển Thánh tại âm phủ giúp nước, giúp dân. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Chầu Bát ngự áo màu vàng.

Đền chính thờ Chầu Bát hiện nay được biết đến nhiều nhất là ở địa danh: đền Tiên La, thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; đền Tân La, thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên; ngoài ra còn có đền Chầu Bát ở Chị Lăng, Lạng Sơn hay ở Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ cũng chính là quê hương của Chầu.

Ngày tiệc Chầu là ngày 17 tháng Ba (âm lịch) hằng năm.

Chầu Cửu

“Tiếng đồn vang khắp đâu đâu

Kẻ xin phép Thánh, người cầu bùa thiêng

Nén nhang bát nước khấn nguyền

Lễ kêu Chầu Cửu dâng lên tam tòa”

(Trích Văn Chầu Cửu)

Chầu Cửu, hay Chầu Chín Cửu Tỉnh là vị Thánh Chầu tương truyền xuất thân từ Thiên giới, giáng hạ trần gian giúp dân, Ngày hiển linh ở vùng Thanh Hóa và kề cận Thánh Mẫu Thần chủ. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ngại ngự áo màu hồng.

Về nơi chính thờ Chầu Cửu, đến nay địa danh được biết đến nhiều nhất là đền Sòng Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Ngày tiệc Chầu Cửu là ngày 9 tháng Chín âm lịch hằng năm

Chầu Mười

“Ai lên Đồng Mỏ, Chị Lăng

Nhớ người nữ kiệt cứu dân tiền triều

Nước non gặp vận hiểm nghèo

Chầu Mười Đồng Mỏ sớm chiều xông pha”

(Trích Văn Chầu Mười)

Chầu Mười, hay Chầu Mười Đồng Mỏ gắn với truyền thuyết rằng: Chầu vốn người Thổ ở vùng Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Dưới thời vua Lê Thái Tổ trung hưng đất nước, Chầu là vị nữ tướng tài ba có công giúp vua đánh đuổi giặc Minh, lập công đầu dẹp giặc Liễu Thăng trong trận đánh Chi Lăng, Xương Giang huyền thoại. Cuối mùa thu mãn hạn, chầu quay về cõi tien, nhân dân nhớ ơn nên lập đền MỎ Ba ở chính nơi quê nhà, để đời đời nhang khói thời phụng.

Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, Chầu Mười ngự áo màu vàng thường phát lương cho trần gian no ấm.

Đền chính thờ Chầu là Mỏ Ba Linh Từ, huyện Đồng Mỏ, Lạng sơn. Ngày tiệc Chầu là ngày 20 tháng Chín âm lịch hằng năm

Chầu Bé

Trong hàng Tứ phủ Thánh chầu, cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, Chầu Bé cũng là vị Thánh thuộc Nhạc phủ, cai quản tòa sơn trang thượng ngàn rất hay ngự đồng.

Tương truyền, Chầu Bé vốn là người Nùng giáng sinh ở Lạng Sơn, sau khi thác hóa thường hiển linh giúp dân, giúp nước. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, Chầu thường ngự áo màu chàm, xanh lam hoặc đen, chít khăn thổ cẩm, chân đi xà cạp. Theo một số vị đồng cổ truyền lại khi hầu Chầu Bé không có lệ sang khăn, tiễn đàn.

Chính cung thờ Chầu Bé ở phía ngoài đền Công đồng Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngày tiệc Chầu là ngày 20 tháng Chín âm lịch hàng năm.

Chầu Thủ Đền

Chầu Thủ đền hay có một số quan điểm là Chầu Bé Thoải, cai quản ở đền, điện, phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Tuy nhiên những nơi chính thờ các vị Thánh thuộc phru nào thì Chầu Thủ đền cũng thuộc về phủ đó, và ngự áo theo màu đại diện từng phủ.

Trong nghi lễ hầu đồng, Chầu Thủ đền ít khi giáng về.

Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ tương truyền là tiên nữ giáng sinh vào gia đình người dân tộc Mường ở Hòa Bình, tên là Đinh Thị Vân. Sinh thời ngài có công giúp vua Lê Thái Tổ dẹp giặc, sau khi hóa lại hiển linh phù độ cho thuyền bè người dân qua lại trên sông Đà được bình an.

Trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu, có thanh đồng kiều thỉnh Chúa Thác Bờ thay cho Chầu Đệ Tam, tuy nhiên, theo các vị đồng cổ thì Ngài là nhân thần nên kiều thỉnh Ngài sau hàng Tứ phủ Thánh Chầu.

Khi về đồng, ngài ngự áo màu trắng, quần đen, thắt đai xanh đúng kiểu người dân tộc Mường ở Hòa Bình.

Đền chính thờ Chúa Thác Bờ là đến Chúa Thác Bờ xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Có một ngôi đền nữa ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vừa thờ Chúa Thác Bờ vừa thờ Cô Bé Thác Bờ – một vị nhân thần người dân tộc Dao có công cùng Chúa Thác Bờ phò Lê dẹp giặc.

Ngày hội đền Thác Bờ là ngày 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày tiệc Chúa Thác Bờ là ngày 12 tháng Tư âm lịch hằng năm.

Nguồn tư liệu: Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực

Shizuka

Shizuka xin chào các độc giả của Ambeaty! Hy vọng những thông tin mà Shizuka lượm nhặt để gửi tới bạn đọc sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng mong nhận được các góp ý của bạn đọc dành cho các nội dung Shizuka update trên trang web.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *