SỨC KHỎE

Bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh thoái hóa khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp gối ra sao? Khớp gối là vùng khớp chịu lực của toàn bộ cơ thể, nên đây cũng chính là vùng khớp phải làm việc nhiều nhất, do đó nó dễ bị thoái hóa hơn các khớp khác. Cụ thể mọi thông tin kiến thức về bệnh lý này quý vị đọc cụ thể dưới đây. 

Tại nước ta cũng như nhiều quốc gia châu Á, thoái hóa khớp gối là bệnh rất phổ biến ở người cao tuổi, và đây cũng là căn bệnh gây tàn phế cao nhất hiện nay. Bài viết này, Ambeauty sẽ giải giúp đáp đầy đủ các thắc mắc về thế nào là thoái hóa khớp gối, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị để quý vị trang bị cho mình kiến thức đầy đủ hơn.

Nội Dung Chính

Thế nào là thoái hóa khớp gối?

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học gây mất cân bằng giữa việc tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Từ đó sinh ra những biểu hiện của thoái hóa khớp như việc thay đổi hình thái, sinh hóa, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo ra các gai xương và hốc xương dưới sụn. Đặc biệt hiện nay, có khoảng 80% ca bệnh thường gặp ở phụ nữ.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Từ góc độ y khoa, người ta phân loại nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp gối làm 2: nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. Từ 2 loại nguyên nhân này chúng ta cũng có thể biết được đối tượng nào dễ mắc bệnh thoái hóa khớp gối.

Thoái hóa khớp gối nguyên phát (Nguyên nhân chính)

– Do tuổi tác: bệnh thường xuất hiện muộn ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên, gần 80% người trên 75 tuổi). Bệnh phát triển chậm ở một hoặc nhiều khớp xương. Khi tuổi cao các sụn khớp gối bị bào mòn, khả năng chịu đàn hồi và chịu lực kém.
– Do nội tiết và sự chuyển hóa cơ thể (mãn kinh, đái tháo đường): Khi nội tiết cơ thể thay đổi làm giảm đi lượng nội tiết tố (nữ) trong cơ thể gây ra các bệnh lý về xương khớp.
– Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường cũng có thể là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
– Do di truyền: Những người mà có người trong gia đình quan hệ cận huyết như bố mẹ đẻ, anh chị em ruột đã bị thoái hóa khớp gối thì họ cũng có nguy cơ cao mắc.

Thoái hóa khớp gối thứ phát (Thường gặp ở mọi lứa tuổi)

– Do giới tính và hormone: Bệnh hay gặp ở nữ giới, có thể liên quan đến hormon estrogen
– Chủng tộc: Trong một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ THK gối ở nữ giới là người Mỹ gốc Phi cao hơn chủng tộc khác (nhưng không đúng với nam giới)
– Do các chấn thương: Các chấn thương ở khớp gối ảnh hưởng đến dây chằng, gân, túi hoạt dịch quanh khớp gối khiến trục khớp thay đổi. Một số chấn thương phổ biến như: rách dây chằng trước, tổn thương sụn, viêm bao hoạt dịch, viêm gân bánh chè, gãy xương khớp, can lệch…
– Béo phì hay sự tăng cân quá nhanh: Điều này sẽ làm tăng áp lực lên xương khớp, lâu dần làm xương khớp bị đè nén, biến dạng.
– Dinh dưỡng thiếu hụt: Ví như việc thiếu vitamin D cũng gây ra nguy cơ thoái hóa khớp gối
– Bẩm sinh: Một số trường hợp người bệnh bị thoái hóa khớp gối thứ phát bẩm sinh như khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi…
– Nguyên do tổn thương viêm khác tại khớp gối như viêm khớp thấp (bệnh tự miễn, ảnh hưởng tất cả các khớp cơ thể, trong đó có khớp gối), viêm cột sống dính khớp, viêm mủ, bệnh gout, chảy máu trong khớp…

Triệu chứng thoái hóa khớp gối thường gặp

– Xuất hiện các cơn đau âm ỉ: Triệu chứng đầu tiên thường gặp ở những người mắc bệnh thoái hóa khớp gối  là xảy ra những cơn đau âm ỉ ở khớp gối. Cơn đau này sẽ tăng dần theo thời gian khi người bệnh hoạt động, vận động di chuyển. Đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết trở lạnh các khớp gối cứng lại khiến cơn đau ngày càng tăng dần làm cho người bệnh khó nhọc trong vận động các công việc hoạt động cuộc sống hằng ngày.

– Khớp gối di chuyển gây ra tiếng kêu lục cục: Khi duỗi chân người bệnh sẽ nghe thấy các khớp gối kêu lục cục. Sở dĩ xuất hiện những tiếng kêu này phát ra ở khớp gối là bởi lớp sụn giữa 2 đầu xương bị ăn mòn khiến cho các đầu xương cọ sát vào nhau. Thêm vào đó là dịch nhầy lại bị suy giảm nên các khớp gối không hoạt động trơn tru, từ đó phát ra những tiếng kêu lục cục đến “ám ảnh”.

– Cứng khớp khi không hoạt động trong 1 khoảng thời gian: Triệu chứng thoái hóa khớp gối thứ hai chính là hiện tượng cứng khớp. Khi người bệnh không hoạt động trong một khoảng thời gian dài hoặc mới ngủ dậy, các khớp xương dường như xảy ra tình trạng “bất động” trong khoảng 20 – 30 phút. Nếu muốn khắc phục tình trạng này, người bệnh cần phải dùng tay xoa bóp đầu gối nhẹ nhàng một lúc lâu để giúp các khớp khởi động.

– Đau và sưng tấy các khớp: Sưng, đau phần khớp gối chính là triệu chứng thứ 3 báo hiệu bạn đang bị thoái hóa khớp gối. Mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc sau một khoảng thời gian “hoạt động quá tải”, các khớp sẽ bị sưng to, có màu đỏ, thậm chí còn có hiện tượng phù thũng cơ thể. Ban đầu, người bệnh sẽ chỉ thấy vị trí quanh khớp đau âm ỉ nhưng kéo dài sau dần, tình trạng đau sẽ ngày càng gia tăng và kéo dài liên tục.

– Vận động bị hạn chế: Triệu chứng thứ tư của bệnh thoái hóa khớp gối chính là các vận động của cơ thể bị hạn chế. Nếu như người bình thường có thể thoải mái di chuyển lên, xuống cầu thang, ngồi xổm thì người bị bệnh thoái hóa sẽ gặp khó khăn trong vấn đề này. Bệnh nhân sẽ không thể ngồi xổm được hoặc có thể ngồi nhưng khi đứng dậy thì không đứng được, cần có người đỡ hoặc phải vịn tay vào tường, bàn ghế,…

Ngoài ra, những người này nếu ngồi quá lâu trong một tư thế, không duỗi được chân thoải mái thì khi đứng dậy cũng vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khi phải leo cầu thang bộ, người bệnh sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi leo lên. Đối với trường hợp xuống cầu thang, những người bị thoái hóa cũng không thể bước nhanh mà phải nhích 2 chân đi từng chút từng chút một.

– Ổ khớp bị biến dạng là một triệu chứng thoái hóa khớp: Đây là triệu chứng thoái hóa khớp gối nặng nhất. Thường xảy ra sau suốt một quá trình dài sụn khớp bị tổn thương, dây chằng trở nên lỏng lẻo, phần đầu khớp sẽ bị lệch khỏi trục. Chính vì vậy khi bệnh nhân đứng không thể đứng thẳng, chân thường bị quẹo theo dáng chữ O, chữ X,… Ngoài ra, một số người bệnh còn bị teo ổ khớp khiến cho chân cũng bị teo theo.

Bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. Trong đó bao gồm:

(1) Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp nội khoa: Vật lý trị liệu (siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, suối khoáng…), điều trị bằng thuốc, cấy ghép tế bào gốc…

(2) Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp ngoại khoa: Nội soi khớp như cắt lọc, bào, rửa khớp, khoan kích thích tạo xương, cấy ghép tế bào sụn. Phẫu thuật thay bằng khớp nhân tạo: áp dụng với các trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có độ tuổi từ 60 trở lên.

Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau.

– Phẫu thuật nội soi làm sạch: Đối với bệnh nhân bị đau khớp nhưng hạn chế vận động, các bác sĩ sẽ chỉ định cho phẫu thuật nội soi. Phương pháp này cũng chỉ áp dụng được với người bệnh thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ. Khi bệnh đã bước sang giai đoạn nặng hoặc giai đoạn trung bình nhưng có kèm thêm viêm đa khớp dạng thấp thì không thể tiến hành phẫu thuật.

– Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn: Đối với người bệnh tuổi còn trẻ mắc bệnh do chấn thương, bác sĩ sẽ chỉ định cho nội soi qua khớp gối để kích thích tủy xương phục hồi và phát triển. Để phương pháp này đạt hiệu quả cao hơn các bác sĩ thường kết hợp với ghép tế bào gốc tự thân và được thực hiện khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3.

– Ghép tế bào sụn tự thân: Đây chính là phương pháp thường được dùng kết hợp với phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn. Tuy nhiên, phương pháp cũng chỉ được áp dụng với người bệnh có tổn thương đơn động, diện tích sụn khuyết vừa hoặc nhỏ. Mặc dù lớp sụn mới này khá giống với sụn bình thường, có tính bền vững cao nhưng phương pháp này cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Chưa kể đến chi phí phẫu thuật ghép tế bào sụn tự thân và tính chất phức tạp của nó, sau phẫu thuật người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ bong mảnh ghép hoặc tăng sinh quá mức tổ chức sụn ghép. Những nguy cơ này khiến cho người bệnh bị hạn chế vận động khớp gối rất nhiều.

– Ghép xương sụn tự thân hoặc đồng loại: Áp dụng phương pháp ghép xương sụn này sẽ giúp tạo được sự liền xương tại nơi ghép. Sụn ghép có khả năng sống cao như sụn ban đầu để có thể đảm bảo được vai trò chức năng của nó. Tuy nhiên, phương pháp chỉ áp dụng được với người bệnh thoái hóa khớp thứ phát hoặc tổn thương sụn có diện tích không lớn.

– Đục xương sửa trục: Đục xương sửa trục là phương pháp lấy bỏ đi một mảnh xương, sau đó nắn lại và cố định xương. Bệnh nhân khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có thể áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, biến chứng mà phương pháp này có thể gây ra cho người bệnh là liệt dây thần kinh mác chung.

– Thay khớp gối: Không phải cứ thoái hóa là tiến hành thay, phương pháp này chỉ thực hiện khi bệnh bước sang giai đoạn nặng bác sĩ mới chỉ định áp dụng phương pháp này. Cũng cần lưu ý rằng, khớp gối nhân tạo cũng chỉ có tuổi thọ từ 10 – 15 năm. Do đó, nếu người bệnh tuổi còn trẻ thì có thể phải tiến hành phẫu thuật thay khớp gối thêm nhiều lần và chịu mức chi phí rất đắt đỏ.

Trên đây là các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, nhưng cũng không có phương pháp nào triệt để và hiệu quả an toàn nhất bởi phương pháp nào cũng tiềm ẩn những rủi ro của nó. Cần phải được khám, theo dõi và điều trị đúng liệu trình.

Trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối, người bệnh cần kết hợp tuân thủ những nguyên tắc điều trị như:

– Giảm đau trong các đợt tiến triển
– Phục hồi chức năng vận động của khớp gối
– Hạn chế và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp gối
– Xem xét kỹ để tránh các tác dụng xấu từ thuốc trong quá tình điều trị.

Cùng với sự tiến bộ của nền y học hiện đại, phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối cũng đạt được những kết quả mới. Ví như phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đã được chứng minh là an toàn nhất, hiệu quả nhất, nhanh chóng chấm dứt triệu chứng đau và đảm bảo hiệu quả lâu dài. Huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chiết tách trực tiếp từ chính máu của bệnh nhân, do đó phương pháp này đạt độ an toàn cao, cũng như quá trình điều trị nhẹ nhàng.

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng lão hóa của khớp gối và đa số người cao tuổi Việt Nam hiện nay đều mắc. Khi khớp gối bị thoái hóa, các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong vào trong. Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp thu lực đè ép. Nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, người ta khuyến cáo cần phải hạn chế đi lại.

Trong trường hợp người bệnh bị thoái hóa nặng, khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng đỡ để giúp giảm tải trọng lên bề mặt khớp hư. Vì thế nếu người bệnh bị thoái hóa khớp gối nên dừng đi bộ và  nên chuyển sang các môn thể thao khác như đạp xe đạp, dưỡng sinh.

Đặc biệt, dưỡng sinh là môn thể thao rất tốt cho người già vì các động tác được thực hiện thật chậm rãi, phong thái nhẹ nhàng, đặt ý nghĩ và hơi thở đi theo động tác của tay chân. Tuy nhiên, khi tập thể dục, người cao tuổi cần tránh những động tác mạnh như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ, vì những động tác này rất hại cho các khớp, đặc biệt là khu vực cột sống thắt lưng và khớp gối.

Cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối

– Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp: Nếu bạn béo, trong lượng cao thì sức nặng đè lên khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân….

– Chăm chỉ vận động: Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Ðó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động.

– Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng: Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa, vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.

– Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng: Khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay là khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân nhé.

– Giữ nhịp sống thoải mái: Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.

– Thường xuyên biết “lắng nghe” cơ thể: Cơ thể chúng ta có cơ chế báo động rất tuyệt vời. Khi có vấn đề nó sẽ báo động ngay cho bạn. Trong đó đau là dấu hiệu báo động chủ yếu. Phải ngưng ngay lập tức các vận động nếu chúng gây đau.

– Thường xuyên thay đổi tư thế: Các bạn nên thường xuyên thay đổi các tư thế sinh hoạt; tránh việc nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ vì điều này sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Có thể đây chính là yếu tố chính yếu gây ra thoái hóa khớp do nghề nghiệp, nhất là ở những người lao động trí óc.

– Bảo vệ cơ thể trước những bất trắc trong hoạt động hằng ngày: Ví dụ khi ra khỏi nhà, bạn nên cẩn thận chuẩn bị những dụng cụ bảo vệ cổ tay và khớp gối, nhằm đề phòng những tình huống bất ngờ có thể làm bạn bị chấn thương.

– Ðừng ngại ngần nhờ người khác trợ giúp: Đừng bao giờ cố gắng làm một việc nặng gì đó quá sức của mình. Nếu cảm thấy khó khăn, bạn nên nhờ người khác trợ giúp mình. Bởi lẽ mang vác hay xách một vật nặng có thể làm bạn đau nhức kéo dài nhiều ngày và tình trạng đau nhức này thể hiện sự tổn thương của cơ thể. Từ những lỗ nhỏ có thể phát triển thành những sang thương lớn hơn trên mặt sụn khớp.

Trên đây là tất tần tật những thông tin liên quan tới bệnh thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, cách phòng tránh…. Hy vọng quý vị đã có cái nhìn nhận đầy đủ và cơ bản nhất về căn bệnh này!

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *