TIN TỨC

Giảm 50% mức phí khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip từ nay đến hết 30/6/2021

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC hướng dẫn mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch bệnh COVID-19. Trong đó, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC. Mức giảm này thực hiện từ 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. Từ ngày 1/7/2021 trở đi, mức lệ phí cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân được thu theo mức thông thường quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC.

Giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân có gắn chip

Cụ thể, khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm xuống còn 15.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: Mức lệ phí từ 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm còn 25.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Đối với trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: Mức lệ phí 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm còn 35.000 đồng/thẻ.

Theo Bộ Công an, dự kiến từ nay đến 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Do đó, Bộ Công an khuyến nghị các trường hợp là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn thì nên thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng CCCD gắn chip.

Cũng theo Bộ Công an, so với thẻ Căn cước công dân mã vạch hiện nay, thẻ Căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật, dung lượng lưu trữ cao hơn. Thẻ CCCD mẫu mới sẽ tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, khóa bảo mật …

Ai phải làm thẻ căn cước công dân gắn chíp?

Theo quy định thì chỉ có những người có CMND hoặc căn cước công dân bị hết hạn, hoặc bị mất, hỏng mới phải đi đổi sang loại căn cước công dân gắn chip.

Và khi căn cước công dân gắn chip được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại các loại giấy tờ tùy thân gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chip.

Bộ Công an cũng khẳng định, việc đổi sang căn cước công dân gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số căn cước công dân mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên căn cước công dân gắn chip với số trên căn cước công dân mã vạch là giống nhau, do đó, người dân không phải đi đổi lại các giấy tờ.

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *