LÀM MẸ

Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối?

Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối? Gần đây, mình nhận được khá nhiều câu hỏi cũng như tâm sự của các bố mẹ bế tắc, bối rối không biết phải làm gì khi con trẻ nói dối. Mình xin đúc kết những điều đã được học, những hiểu biết của mình thành sơ đồ để chia sẻ cho các bố mẹ.

Có vô vàn tình huống con nói dối:
Con nói dối khi bị điểm kém
Con nói dối khi chưa làm bài tập
Con nói dối khi muốn có/muốn làm 1 điều gì đó mà không được phép
v…v…
Mở rộng ra nữa là học sinh nói dối thầy cô giáo.

Và cách xử lý thông thường của bố mẹ là: tra hỏi con, hỏi chéo người này người kia để xác nhận độ chính xác điều con nói, buộc con phải nhận lỗi, mắng/phạt/đánh con, bắt con hứa/viết bản kiểm điểm. Tất cả chuỗi hành động đó bố mẹ hầu như đều làm trong tâm trạng rất bực bội, tức giận, khó chịu hoặc là rất rất buồn vì con.

Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối?
Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối?

Chúng ta thử trung thực nhìn nhận lại, khi còn là 1 đứa trẻ chắc cũng đã từng đôi lần nói dối bố mẹ. (Mẹ mình vẫn còn giữ bản kiểm điểm mình viết vì tội nói dối năm mình cấp 2, gần 30 năm đến bây giờ mình vẫn còn nhớ, hihi)

Và trong hành trình làm cha mẹ nuôi 1 đứa trẻ khôn lớn, ai cũng đã từng trải qua ít nhất 1 hay nhiều lần con mình nói dối. Có phải không nào?

Bản thân mình cũng không ngoại lệ. Hồi con mình khoảng tầm 2,3 tuổi gì đó, con nói dối bố mẹ vì cái gì mình không nhớ rõ. 2 vợ chồng rất lo sợ nếu không xử lý mạnh thì sau này con nói dối thành thói quen. Và thế là tỏ ra rất “hiểu biết”, mình nhẹ nhàng gọi con ra tra hỏi, phân tích rằng thế là không nói thật, thế là không tốt, rồi bắt con nằm xuống đánh 3 roi vào mông. Khỏi phải nói lần đầu tiên bị bố mẹ đánh, con bé khóc và sợ như thế nào.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mình đánh con. Sau này, khi cắp sách đi học về dạy con, học về tâm thức của con người, mình mới hiểu được sâu sắc nguyên do vì đâu mà con trẻ nói dối. Theo mình có 3 nguyên nhân (Hình 1)

Nguyên nhân vì sao trẻ hay nói dối

Nguyên nhân 1. Lý do dễ hiểu nhất là con BẮT CHƯỚC, học theo ai đó trong gia đình, ở trường lớp. Chúng ta vô tình nói sai khác điều gì đó trước mặt con trẻ, chúng sẽ sao chép ngay. Hoặc đôi khi bố/ mẹ hay ông bà thì thầm vào tai con: về đừng nói với mẹ nhé! Tưởng là vô hại nhưng trong đầu trẻ con sẽ hình thành ngay công thức: cứ làm rồi không nói với mẹ, thế là được.

* Cách giải quyết: Nhìn lại trong môi trường con sống, có người nào thường nói vậy không. Hãy làm tấm gương sáng cho trẻ con, và luôn tỉnh thức để biết mình đang làm gì/ nói gì trước mặt con.

Nguyên nhân 2. Bên trong đứa trẻ có 1 MONG MUỐN rất mạnh về 1 điều gì đó (tạm gọi là nổi lên tâm “tham”) mà lại bị bố mẹ cấm đoán.

Ví dụ như con rất muốn chơi game trên máy tính nhưng luôn bị bố mẹ kiểm soát nên phải chơi lén.

Ví dụ con đang mải chơi vui với bạn mà bị bắt đi học bài, đành nói rằng hôm nay ko có bài tập.

Ví dụ con rất muốn mang mấy cái thẻ trong gói bimbim giống đứa bạn cùng bàn nhưng đâu có được mua, đành phải nói rằng bạn cho con.

Khi cái muốn đó rất mạnh mẽ, mà 1 đứa trẻ thì không thể đủ sức mạnh lý trí để làm chủ cái mong muốn đó. Nên sau khi có được cái nó muốn rồi thì sẽ tìm cách giấu bố mẹ.

Nguyên nhân 3. Bên trong đứa trẻ khởi lên tâm SỢ, sẽ dẫn đến lời nói, hành động giấu diếm bố mẹ.

Ví dụ con bị điểm kém, nhưng vì sợ bố mẹ đánh mắng mà loanh quanh không dám nói ra.

Ví dụ con lỡ làm vỡ bát, nhưng khi mẹ hỏi thì không dám nhận vì sợ bị mắng.

Tất cả đều vì 1 chữ SỢ.

Chúng ta cần hiểu 1 điều rằng, khi buộc phải che giấu, nói sai khác đi việc đã làm, trong tâm đứa trẻ không hề dễ chịu và thoải mái 1 chút nào. Chúng cảm thấy vô cùng khổ sở khi rơi vào tình huống buộc phải nói dối bố mẹ. (không xét đến trường hợp con nói dối quá nhiều lần thành thói quen và chai lì cảm xúc)

Vậy bố mẹ phải làm gì khi biết con nói dối?

Chúng ta hãy dừng làm “cảnh sát điều tra” (nếu có cần điều tra thì hãy đừng làm trước mặt đứa trẻ). Càng tra hỏi, chúng ta càng khoét sâu nỗi sợ trong con, càng khiến con phải khổ sở nghĩ xem nói gì để bố mẹ không biết. Càng điều tra đến tận cùng, con càng xoáy sâu vào vòng xoáy cảm giác tội lỗi mà không biết thoát ra bằng cách nào. Có thể những cảm giác này sẽ hằn sâu trong tiềm thức con không bao giờ quên được.

Mục đích cuối cùng của chúng ta là gì? Có phải là GIÁO DỤC con biết đâu là điều ĐÚNG cần làm, nên làm phải không nào?

Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối?
Vì sao con nói dối? Bố mẹ cần làm gì khi con nói dối?

Vậy thì khi biết là con đang tìm cách che giấu mình điều gì đó, bố mẹ hãy chấp nhận, bao dung với lỗi sai của con: A! Đây là cơ hội để mình dạy con! (câu thần chú Ông giáo đã post).

Sau đó tự hỏi bản thân rằng: Mình đã làm gì khiến con phải nói dối? Mình có quá khắt khe cấm đoán con chăng? Mình đã thực sự hiểu con có nhu cầu gì chưa? Mình có ép con học quá đáng không? Mình có làm gì khiến con sợ không?.v..v…

Chỉ cần bố mẹ chậm lại 1 phút đặt câu hỏi với chính bản thân mình là bố mẹ sẽ làm chủ được cảm xúc tức giận lúc đó. Sau khi có thời gian bình tĩnh lại, nhìn ra sâu sắc cái NHÂN mà mình đã gieo cho con khiến con buộc phải nói dối thì bố mẹ hãy SỬA MÌNH, và lên KẾ HOẠCH DẠY CON trên cơ sở nâng cao nhận thức và ý thức của con, chứ không phải lại tiếp tục làm con sợ.

Trường hợp của bản thân mình: Khi đã ngộ ra 1 cách sâu sắc sự vận hành của tâm 1 đứa trẻ khi che giấu bố mẹ điều gì đó thì mình đã chấm dứt việc quát mắng phạt con mình, khi biết con giấu mẹ mang ipad lên phòng đọc truyện online, chat đến 12h đêm vẫn chưa ngủ. Vì mình hiểu bên trong con có nhu cầu được làm cái việc đó 1 cách rất mạnh mẽ, mà con không đủ nghị lực để vượt qua cám dỗ, dù biết là không nên làm. Công việc sau đó của mình là dạy con về việc tuân thủ, rèn cho con tăng nghị lực, nội lực bên trong con lên.

Tuy không phải đơn giản ngày 1 ngày 2 có thể rèn ngay được, cần sự kiên trì đồng hành của bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ kiên trì rèn dạy được những điều đó, sau này bớt lo con ra XH bị bạn bè rủ rê làm việc xấu. Con có đủ trí tuệ để biết đâu là việc không nên làm, đủ nghị lực để nói không với những việc đó.

Chẳng phải đó chính là 1 trong những mục tiêu lâu dài mà bố mẹ mong muốn dạy con hay sao?

Nguồn: chị Thúy Hà chia sẻ

Shizuka

Shizuka xin chào các độc giả của Ambeaty! Hy vọng những thông tin mà Shizuka lượm nhặt để gửi tới bạn đọc sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng mong nhận được các góp ý của bạn đọc dành cho các nội dung Shizuka update trên trang web.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *