TIN TỨC

Việt Nam quyết tâm khoanh vùng dập dịch Covid trong 10 ngày để người dân đón Tết bình yên

Chiều 28/1, tại buổi họp quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam quyết tâm khoanh vùng và dập dịch bệnh trong 10 ngày.

“Các địa phương xử nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng theo quy định hiện hành. Vì sao sân bay Vân Đồn có quy trình chặt chẽ thế mà vẫn ghi nhận bệnh nhân, chứng tỏ có những giây phút lơ là. Các tỉnh khác có nghĩ tỉnh mình có thể xuất hiện một Chí Linh không? Hoàn toàn có thể nếu lơ là. Nếu thực hiện nghiêm túc thì không có ổ dịch như vậy. Vì vậy phải làm thật nghiêm, thật quyết liệt, để những bài học Đà Nẵng, Chí Linh… không trở nên vô nghĩa.” (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam)

Đây có lẽ là giai đoạn đặc biệt nhất, nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Chưa bao giờ trong một ngày chúng ta phát hiện số lượng ca dương tính nhiều như thế. Trước đây chỉ một ca dương tính chúng ta phải truy vết cả ngàn người, bây giờ gần 100 ca kéo theo số lượng truy vết vô cùng lớn và phức tạp. Điều này có thể hình dung về khối lượng công việc phải làm rất lớn, và thời gian truy vết phải được rút ngắn lại.

Chủng virus lần này là chủng virus biến thể từ Anh, đã được khoa học xác định khả năng lây lan rất nhanh. Nếu như chủng virus cũ cần tới khoảng 5 ngày để có đủ lượng virus trong cơ thể có thể lây cho người khác thì với chủng mới này chỉ cần từ 2-3 ngày. Do đó thời gian truy vết không cho phép được kéo dài, càng kéo dài tỉ lệ lây lan càng lớn.

Bên cạnh tìm F0, ngành y tế phải tính đến chuyện coi tất cả các trường hợp dương tính đều là F0 để từ đó truy vết được F2, F3. Và với tỉ lệ, tốc độ lây lan nhanh, đối tượng tầm soát không còn dừng lại ở F1, có thể phải mở rộng ra F2, F3.

Một yếu tố đặc biệt bất lợi là khí hậu lạnh ở các tỉnh miền Bắc rất thuận lợi cho virus sinh sôi, phát triển. Tổng hợp các yếu tố này tôi thấy phía trước là cả một thử thách vô cùng lớn cho cả ngành y tế.

Nội Dung Chính

Kêu gọi toàn dân vào cuộc chống dịch

Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia, Phó Thủ tướng kêu gọi toàn dân ủng hộ và phối hợp với quyết định phong tỏa. Theo Phó Thủ tướng, nếu chúng ta làm tốt, phòng ngừa tốt có thể dâp dịch ngay được. Ngược lại, nếu không làm tốt khoanh vùng, dập dịch từ đầu thì chúng ta không lường được hậu quả.

Tính đến đêm 28-1 đã có 5 địa phương ghi nhận các ca bệnh trong đợt dịch này với 100 ca: Hải Dương 84 ca, Quảng Ninh 13 ca, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh mỗi địa phương 1 ca. Tính tổng trong ngày 28-1 ghi nhận 107 ca, trong đó có 100 ca lây nhiễm cộng đồng nói trên và 7 ca mới nhập cảnh. Đến sáng 29-1 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo ghi nhận thêm 9 ca mới, đều là ca trong cộng đồng.

Phát biểu tại phiên họp chiều 28-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay có 2 lý do chính dẫn đến lây lan nhanh ở đợt dịch này. Thứ nhất, bệnh nhân nhiễm chủng virus biến thể, lây lan nhanh. Thứ hai, ổ dịch ở Hải Dương đã có trong cộng đồng từ khoảng 10 ngày trước, thông thường 5 ngày/chu kỳ lây nhưng chủng mới chỉ khoảng 3 ngày/chu kỳ lây. Trong 10 ngày có trong cộng đồng, có thể đã qua 4 chu kỳ lây.

Việt Nam quyết tâm khoanh vùng dập dịch trong 10 ngày để người dân đón Tết bình yên
Việt Nam quyết tâm khoanh vùng dập dịch trong 10 ngày để người dân đón Tết bình yên

Và hậu quả thể hiện qua kết quả xét nghiệm: mới xét nghiệm khoảng 200 mẫu tại Hải Dương đã ghi nhận 84 bệnh nhân. Trong ngày 28-1 các viện đã lấy thêm hơn 5.000 mẫu chuyển về Hà Nội xét nghiệm, số này chưa có kết quả.

“Số bệnh nhân không dừng ở 200 – 300 người mà có thể là rất nhiều” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại phiên họp trực tuyến với Hải Dương, Quảng Ninh.

Theo ông Long, con số chung ước tính là chủng biến thể có mức độ lây lan tăng 70% so với chủng cũ, nhưng ổ dịch tại Hải Dương thì tốc độ lây lan còn tăng cao hơn. Với tình hình này, ông Long cho rằng Hải Dương cần chuẩn bị 3 cơ sở điều trị mới đủ thu dung và điều trị bệnh nhân.

Ngay trong ngày 28-1, ông Long yêu cầu phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất cho các bệnh viện, cung ứng đủ và thậm chí dư trang thiết bị để đảm bảo chống dịch.

Tại Quảng Ninh, cùng ngày đã ghi nhận 13 bệnh nhân, hầu hết là nhân viên sân bay Vân Đồn và người nhà. Ngoài Hải Dương và Quảng Ninh, đã có thêm Hải Phòng ghi nhận 1 bệnh nhi. Mẹ bệnh nhi làm việc tại Hải Dương, ngày 24-1 hai mẹ con về điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng. Bệnh nhi này là ca bệnh thứ 98 lây trong cộng đồng ghi nhận trong ngày. Ngoài ra còn 7 bệnh nhân nhập cảnh, nâng tổng số bệnh nhân ngày 28-1 lên 107 ca.

Phát biểu tại phiên họp chiều 28-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đây là ngày có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất trong hơn 1 năm dịch xuất hiện tại Việt Nam (ngày nhiều bệnh nhân nhất tại Đà Nẵng ghi nhận 83 ca).

Việt Nam quyết tâm khoanh vùng dập dịch trong 10 ngày để người dân đón Tết bình yên
Người dân xếp hàng, khai báo y tế trước khi vào địa phận tỉnh Quảng Ninh

“Chúng ta đã không bỏ lỡ một giây phút nào”

Nói về mục tiêu quyết tâm dập dịch trong 10 ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là mục tiêu có cơ sở. Theo ông Đam, trong đợt dịch này chúng ta đã không bỏ lỡ một giây phút nào: ngay trong ngày đầu tiên đã lấy hơn 5.000 mẫu xét nghiệm, đã truy vết đến F3…; trong khi những ngày đầu tiên dịch bùng tại Đà Nẵng, giới chức “đã có những lúng túng nhất định”.

“Ổ dịch này có thể đã ở trong cộng đồng 10 ngày và qua 4 vòng lây nhiễm, số lượng bệnh nhân có thể nhiều hơn nhưng không vì thế mà hoang mang vì số lượng mẫu lấy đã rất rộng” – ông Đam nói.

So với những đợt dịch trước, lần này phạm vi phong tỏa, giãn cách xã hội rộng hơn: giãn cách xã hội kéo dài trong 21 ngày và áp dụng toàn bộ thành phố Chí Linh với lượng dân cư rất lớn. “Phong tỏa bất tiện vô cùng, nhưng phải kiên quyết từ đầu, nếu ngại khó ngại khổ sau này dập dịch sẽ rất khó” – ông Đam nói.

Ông Đam cho biết sẽ đảm bảo minh bạch thông tin, có ca bệnh mới sẽ thông báo ngay, lịch trình của bệnh nhân sẽ được cập nhật để người có liên quan thông báo với cơ quan y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, người có qua lại sân bay Vân Đồn từ 15-1 đến nay sẽ phải đến cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Toàn bộ F1 (người tiếp xúc gần với bệnh nhân) bắt buộc cách ly tập trung. “Phải cách ly mầm bệnh ra khỏi cộng đồng mới mong dập được dịch” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Chúng ta phải nhanh hơn virus

Việt Nam quyết tâm khoanh vùng dập dịch trong 10 ngày để người dân đón Tết bình yên
Xét nghiệm ở Công ty TNHH POYUN, xã Cộng Hòa, TP.Chí Linh, Hải Dương

Từ sáng sớm 28-1, 39 chuyên gia của 4 viện đầu ngành thuộc Bộ Y tế đã đến Hải Dương. Trên 5.000 mẫu bệnh phẩm đã lấy sẽ được chuyển đến 4 phòng xét nghiệm thuộc CDC Hải Dương, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Một đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương do bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc bệnh viện, chủ trì đã đến Hải Dương hỗ trợ về chuyên môn, mục tiêu chất lượng điều trị tại Hải Dương cũng tương tự như ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, từng là phó cơ quan thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng – cũng đang có mặt tại Hải Dương. Hiện tại, các chuyên gia đầu ngành, các thiết bị tốt nhất đang được dành để khống chế ổ dịch này.

“Virus rất nhanh, nhưng chúng ta phải nhanh hơn virus. Lúc này hàng trăm con người đang chạy đua với virus” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cấp tốc lập 3 bệnh viện dã chiến ở Hải Dương

Nhận định số ca nhiễm tăng lên trong những ngày tới, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương để điều trị tại chỗ các bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiệm vụ dựng bệnh viện dã chiến thứ nhất tại Trung tâm Y tế Chí Linh. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đưa các trang thiết bị hiện đại tới Chí Linh để lập phòng hồi sức tích cực (ICU) tại đây.

Bệnh viện Bạch Mai lập bệnh viện dã chiến thứ hai tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Cục Quản lý Môi trường Y tế nghiên cứu và tìm giải pháp ngay vấn đề xử lý rác thải tại bệnh viện này.

Bệnh viện dã chiến thứ ba sẽ được lập tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Toàn bộ trang thiết bị của bệnh viện dã chiến từng dựng tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng, hồi tháng 8/2020 sẽ được vận chuyển ra lắp đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, được giao trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác điều trị tại Hải Dương. Ông Khoa cho biết bệnh viện chuyên trị bệnh nhân Covid-19, đặt tại Trung tâm y tế Chí Linh, quy mô hơn 200 giường, hoạt động ngay từ sáng mai.

“Trước mắt sẽ tận dụng trang thiết bị và nhân lực tại chỗ. Đối với những bệnh nhân nặng sẽ chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương”, ông Khoa nói. “Tất cả các lực lượng đang tập trung để triển khai các biện pháp như rà soát nhân lực, trang thiết bị. Dự kiến ngày 29/1, bệnh viện đi vào hoạt động”. Hiện địa điểm này có lực lượng 56 bác sĩ.

Trong sáng 28/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác hỗ trợ cho Hải Dương. Đoàn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện, dẫn đầu sẽ trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng tham gia công tác tại bệnh viện điều trị Covid-19 Chí Linh sẽ được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và nhiều chuyên đề liên quan.

Tổng hợp

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *