KHÁM PHÁ

Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành và tồn tại, gắn bó lâu với đời sống tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng này là một nét văn hóa độc đáo, thể hiện vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là là lòng yêu nước, yêu lao động sản xuất, yêu cuộc sống…

Sách sở nghiên cứu về loại hình tín ngưỡng này từ xưa truyền lại rất ít và tản mạn, cũng như những luật định hành đạo hầu như không có, mà chủ yếu do truyền khẩu. Song, những quy chế truyền khẩu đó cũng đã hình thành nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ cho mọi người tuân thủ.

Như các cụ xưa đã nói: “Làm lính có công, làm đồng có phép“, từ việc nhỏ tới việc lớn đều theo phép tắc mà làm. Tuy nhiên, tất cả đều phải lấy sự tôn kính, trang nghiêm làm đầu, vì “Thị Thánh như thị Vương“, hầu thánh như hầu Vua, qua đó để thấy được tầm quan trọng của sự trang nghiên phép tắc.

Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ
Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

Cách loại hình hành lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

Từ quan niệm Vua Cha, Thánh Mẫu như Cha mẹ gần gũi, thân thiết của mọi người. Nên không phân biệt giai tầng, lứa tuổi, bất kì ai, bất kì lúc nào cũng có thể đem tấm lòng thành kính, tin tưởng đến với Cha Mẹ để giãi bày, khấn nguyện.

Người Việt Nam ta ai cũng thuộc câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ“. Cha ở đây có thể hiểu là đức Vua Cha Bát Hải, cũng có thể hiểu là Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương; Mẹ là Đức Thánh Mẫu Thần chủ.

Chính vì vậy, đây là hai dịp lễ hội cực kỳ quan trọng trong năm, với các nghi lễ tết lễ, rước, dâng văn thơ, hầu đồng rất sôi động và long trọng. Đặc biệt, ở Phủ Dầy còn có hội hoa trượng (kéo chữ) tạ ơn Thánh Mẫu rất đặc sắc. Các lễ hội này không chỉ thu hút các đệ tử của Tín ngưỡng mà còn hấp dẫn mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Nhân gian tìm đến Cha Mẹ không chỉ vào kỳ hội, khóa tiệc mà ngay trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở thì không cứ là đệ tử của Tín ngưỡng đều có thể đến đền, phủ để bày tỏ ước nguyện hoặc thông qua các nghi lễ của Tín Ngưỡng:

-Người hiếm muộn có thể xin con (Nghi lễ cầu tự)

-Con cái nuôi dạy khó có thể gửi gắm (Nghie lễ bán khoán)

-Học hành, khoa cử, công việc lận đận có thể mong thuận lợi (Nghi lễ cầu công danh)

-Duyên phận muộn màng mong thay đổi (Nghie lễ cắt tiền duyên, cầu duyên)

-Cầu tài lộc, sức khỏe cũng như những mong muốn chính đáng khác…

Thực hiện những nghi lễ này rất đơn giản, chỉ cần nhờ pháp sư chuẩn bị giấy tờ, sắm lễ đơn giản, vàng hương, vật phẩm, trầu cau xin Thánh Mẫu và chư vị gia hộ, khấn đài nhất âm, nhất dương là được.

Điều kỳ lạ nhất là nhiều trường hợp sau khi thực hiện nghie lễ đều đạt được hiệu ứng tích cực. Có lẽ, sự thành tâm với niềm tin được phù trợ của Tiên Thánh đã tạo nên sức mạnh và chỗ dựa tinh thần để họ vượt qua thử thách trong cuộc sống.

Dưới đây là các loại hình hành lễ quan trọng của Tín Ngưỡng:

Đàn lễ tam phủ thục mệnh (lễ Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ): Đàn lễ này chỉ làm cho những người ốm nặng, lúc thăng, lúc giáng, không tìm ra bệnh. Do đó, phải di cung hoán số (cải tử hoàn sinh), cầu cho bệnh nhân khỏi bệnh, tăng tuổi thọ.

Đàn lễ điền hoàn tứ phủ: Trả nợ mã dâng cúng Thiên, Địa, Thủy, Nhạc để cầu bình an. Loại hình đàn tràng này dâng mã, cúng lễ như trình đồng. Nhưng khi  khai ngạch (kê khai nội dung đàn tràng) thì có một vài chữ khác đàn trình đồng và không múc nước mở phủ, chỉ có đồng thầy hầu chứng rồi tiễn đàn mà đệ tử không phải hầu.

Đàn lễ mừng đồng (khánh hạ tư ân hay khánh hạ thù ân hay đáp tạ thần ân): Đàn lễ này chỉ làm khi thanh đồng ra hầu Thánh đã lâu, mọi công việc gia đình, bản thân đều được hưng vựng, thuận lợi thì làm đàn này để tạ ơn Phật Thánh.

Về vàng mã và nghi thức cúng lễ, sớ sách như đàn trình đồng song phải thay đổi vài chữ khi  khai nghạch trọng sớ. Ở đàn này, đồng thầy đồng trước rồi thanh đồng đệ tử hầu sau.

Đàn lễ thải đồng: Đàn lễ này làm khi thanh đồng đã mấy chục năm hầu Thánh nay tuổi cao, sức yếu không còn khả năng hầu Thánh nữa. Nghi lễ vàng mã cúng lễ như đàn trình đồng, chỉ thay đổi một vài chữ trong giấy sớ khi khai ngạch.

Nếu đồng thầy còn thì mời đồng thầy hầu chứng đàn, rồi thanh đồng nếu còn đủ sức thì hầu mỗi phủ một, hai giá.

Nếu đồng thầy đã mất thì mời đồng thầy khác hầu chứng đàn rồi tiễn. Nếu thanh đồng không còn đủ sức khỏe để hầu thành thì không phải hầu nữa.

Kiều năm quan (năm ông đồng cùng lúc hầu năm quan lớn): Đây là đàn lễ phức tạp trong khâu tổ chức, nên ít làm đến. Đàn này chỉ làm nhân dịp lễ lớn của đền, như khánh thành, đản nhật lớn, nếu đủ điều kiện làm đàn.

Lễ tạ tam nhật (sau ba ngày) hoặc tam niêm (sau ba năm):  Đàn này làm sau khi thanh đồng đã trình đồng được ba ngày hoặc ba năm, những đàn này vàng mã đơn giản, lễ bái tùy tâm, cốt làm cho phải phép.

Riêng các đồng đền, đồng điện hầu lễ thường: vào các ngày sóc, vọng (một một hoặc rằm), các ngày đản nhật, hóa nhật của các vị Thánh thì cũng đơn giản tùy duyên.

Đàn lễ đi hầu trình ở những nơi xa: Ví dụ thanh đồng đã ra đồng đủ ba năm, sau khi tạ ở chốn tổ nay đi trình ở Phủ Dầy, Sòng Sơn, Đông Chuông, Bắc Lệ, Lảnh Giang, Ninh Giang, Bảo Hà… thì cũng tùy duyên mà sửa soạn lễ vàng mã, lệ vật rồi mời đồng thầy đi hầu chứng đàn mấy giá, sau đó thanh đồng đệ tử hầu.

Đàn ngả quạt (khất khai thần phiến): Loại hình đàn tràng này có đặc thù riêng cả về mã, về lễ, về sớ sách, về cách thức hầu. Đàn này chỉ làm khi người đó có căn soi bóng. Ra đàn này cũng chủ yếu các Chúa Bà sơn lâm, sơn trang để xem bói.

Đàn lễ nhập tự: Khi đồng đền đã quá già hoặc mất rồi, thì làm đàn này danh chính ngôn thuận cáo yết Tiên Thánh cho người sau chính thức kế nghiệm. Vàng mã đàn, phru bày biện như đàn trình đồng, chỉ thay đổi lời lẽ, khai ngạch trong các loại giấy sớ.

Nếu đồng đền trước vẫn còn và vẫn khỏe thì dồng đền đó hàu chứng đàn rồi đồng đền kế nhiệm hầu sau.

Nếu đồng đền trước quá già yếu hoăc không còn nữa, thì có thể mời một đồng đền cao niên đức độ hầu chứng đàn, rồi đồng đền kế nhiệm hầu sau.

Đàn lễ nhập tự này thường mời nhiều đồng đền, đồng điện tới dự tùy hỷ, chứng giám đàn tràng.

Đàn lễ kiều thỉnh Thánh Mẫu – đình thần Tam, Tứ phủ – cung ngênh Tiên Thánh đắc giáng dương đồng thi đỗ đồng quan: Loại hình đàn tràng này rất ít khi tổ chức, do yêu cầu, quy chuẩn nghiêm ngặt, tỏ rõ sự linh ứng của Tiên Thánh thông qua việc giáng đồng, để chấm chọn cho vị đồng đền dự thi có thể đỗ làm đồng quan.

Đàn này chỉ hầu duy nhất một giá Thánh Mẫu – Ngài không mở khăn, ngự đồng trong khăn phủ diện. Đặc biệt, khi xưa đàn tràng này phải có sự chứng kiến của các quan tỉnh, hoặc phủ, huyện, chức sắc sở tại cùng các vị đồng qaun đã đỗ khóa trước, cùng các vị đồng niên, thanh đồng, đệ tử tứ phương.

Loại hình đàn tràng này cầu kỳ phức tạp, đòi hỏi vị đồng đền ứng thí phải tuyệt đối chay tịnh và chỉ có các vị đồng đền mới có thể lập đàn này. Cũng cần nói thêm là không phải vị đồng đền ứng thí nào cũng được Thánh Mẫu chấm chọn đỗ đồng quan.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước đã không còn tổ chức loại đàn lễ này nữa.

Đàn lễ Tứ phủ trình đồng: Đà này được nói tới cuối cùng vì nó rất quan trọng trong nghi lễ hầu bóng, loại đàn thông dụng nhất, phổ biến nhất.

Ý nghĩa của đàn này là kết nạp một đệ tử chính thức thành tân đồng/thanh đồng để thực hiện nghi lễ hầu Thánh. Loại hình đàn tràng này sẽ được tách riêng thành một chuyên đều sau chi tiết.

Đôi nét sơ lược về nghi lễ hầu bóng

Các thanh đồng thường hầu vào những lễ tiết nào trong năm?

-Hầu thượng nguyên (Tháng Giêng) mang tính chất cầu an cho cả năm

-Hầu vào hè (Tháng Tư) mục đích là cầu mát, tránh ôn dịch, cầu mong cho nhân vật bình an trong ba tháng hè.

-Hầu ra hè (Tháng Bảy), về mốc thời gian, đây là mở đầu cho nửa cuối năm, bởi theo quan niệm của người xưa thì “Xuân thường Thu tự. Việc tết lễ quan trọng như đầu năm là để cầu mong, còn cuối năm cũng sẽ được bình an khang thái.

Vả lại trong ba tháng mùa thu có rất điều dịp đản nhật và hóa nhật của các vị Thánh, như 15 tháng Tám (AL) là đản nhật của Thánh Mẫu Thần chủ, 20 tháng Tám (AL) là hóa nhật Đức Thánh Trần.

-Hầu tất niên (Tháng Chạp), mang ý nghĩa sau một năm mọi người được bình an nên lễ tạ Phật Thánh, điều này cũng thể hiện nét nhân văn trong suy nghĩ của người Việt Nam là có trước có sau, luôn tri ân công đức.

Bốn tiết lễ nói trên trong một năm chủ yếu là các đồng đền, đồng điện thay mặt con nhang đệ tử hầu, còn các thanh đồng có điều kiện thì hầu cũng được, không sau.

Hầu vào các dịp đản nhật, hóa nhật của các vị Thánh, như 12 tháng Hai (AL) là tiệc Mẫu Tuyên Quang, 15 tháng Hai (AL) là đản nhật Quan lớn Tuần Tranh, 21 tháng Hai (AL) là tiệc Mẫu Sòng Sơn, 3 tháng Ba (AL) là hóa nhật Mẫu Phủ Dầy, 25 tháng Năm (AL) là hóa nhật Quan lớn Tuần Tranh, 24 tháng Sáu (AL) là đản nhật Quan lớn Đệ Tam… Những dịp này, ngoài các vị đồng đền, đồng điện hầu, thì các thanh đồng cũng rất nhiều, còn hầu vào việc của vị Thánh nào thì tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan, chủ quan cả về tâm linh và kinh tế của từng thanh đồng. Hầu những dịp này có ý nghĩa chúc Thánh thọ vô cương và cầu bình an cho gia đình và cộng đồng.

Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ
Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

Hầu đột xuất: Nếu nhà điện hoặc bản thân thanh đồng có việc lớn, như làm đền, lập điện, khánh tán lạc thành, trước hoặc sau việc hiếu, hỷ có thể hầu trình hoặc hầu tạ. Còn nếu vào tất cả các dịp lễ tiết trên thanh đồng nào chưa có điều kiện để hầu (kinh tế, sức khỏe, thai sản…) thì cung không bắt buộc, song nên có vàng, sớ, lễ đơn giản để chốn tổ lễ, với nội dung sám hối cầu bình an. Hoặc giả trong nhà có việc hiếu thì bắt buộc thanh đồng không được hầu song phải có lễ sám hối như trên.

Xem thêm:

=> Sự tích và nghi lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất

=> Những điều kiêng kỵ tuyệt đối trong ngày mùng 1 Tết 2021

Nguồn: Đồng đền Lưu Ngọc Đức

(Còn tiếp)

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *