KHÁM PHÁ

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam

Việt Nam có nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là ngày Tết cổ truyền. Các phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền đều có ý nghĩa mong muốn đem lại may mắn, phúc lộc chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Mời bạn đọc tìm hiểu những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam trong nội dung dưới đây nhé!

Nội Dung Chính

Phong tục thăm mộ tổ tiên

Ông bà ta dạy rằng “cao nấm ấm mồ”. Tức là hằng năm bên cạnh việc cúng giỗ bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ thì vào dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, bậc con cháu cần có trách nhiệm lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên.

Thăm mộ tổ tiên, sửa sang nấm mồ từ lâu đã trở thành việc hiếu đạo của con cái thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất. Vì vậy, từ khoảng 23 đến 30 tháng chạp, con cháu thường đi thăm mộ tổ tiên sửa sang, dọn dẹp để bày tỏ lòng hiếu thảo và mời vong linh tổ tiên về với con cháu.

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt
Tảo mộ cuối năm – phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt

Phong tục thăm mộ tổ tiên ngày cuối năm không chỉ là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Đặc biệt, đối với những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc….

Đó cũng chính là cách thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Như cha ông ta răn dạy: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Chính vì vạy, cho dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa xứ, nhưng chốn quay về vẫn luôn là gia đình. Đây cũng chính là  dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.

Ngoài ra, heo sau phong tục này nhiều địa phương ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi thành viên trong gia đình sẽ lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, tất bật với công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho cả năm bình an, may mắn….

Phong tục tống cựu nghinh tân đón năm mới

Phong tục “tống cựu nghênh tân” thể hiện niềm tin, sự lạc quan của dân tộc ta từ ngàn xưa.  Theo đó, mọi người dân tạm gác lại những bộn bề năm cũ, cùng chung nhau ly rượu mừng, chúc nhau những lời chúc hạnh phúc, an lành trong năm mới, cùng cảm nhận được sự chan hòa, tình cảm giữa người với người thêm gần gũi khi đất trời vào xuân.

Liên quan đến các tục lệ “tống cựu nghênh tân”, theo các thư tịch cổ, vào những ngày cuối tháng Chạp, người dân tập trung tế tự mồ mả tổ tiên. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có viết: “Cứ đến cuối năm thì cúng tế, quét dọn, bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc ấy đã có điển lệ của nhà nước. Thiết nghĩ, gần đến ngày tết, đầu năm nhà nào cũng sắm sửa, huống chi là con cháu người đã khuất, sao nỡ ngồi nhìn cỏ cây rậm bẩn, mồ mả sụt lở mà không sửa đắp ư. Tuy việc tế mộ, cổ lễ không có nhưng lễ bởi nghĩa mà sinh ra, so với Trung Hoa ngày Thanh minh tế tảo mộ thì nước ta tế vào tháng Chạp có ý nghĩa hơn nhiều”.

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt
Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt

Để chào đón năm mới, người dân  may áo mới, quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ trong ngoài, dán câu đối đỏ, bày bàn ghế, sửa soạn lại bàn thờ gia tiên, có vật gì tốt đẹp cũng đem chưng dọn, làm việc gì cũng phải cẩn thận, tránh đổ vỡ để lấy may trong năm mới. Sang mùng 1 tết, vào đầu giờ Dần (4-5 giờ sáng), gia chủ thức dậy thắp hương, dâng trà, rượu lễ bái tổ tiên rồi mừng tuổi người tôn trưởng, chúc năm mới được giàu có, sống lâu. Nhà nhà làm cỗ bàn cúng tổ tiên, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, giống như cung phụng người còn sống. Trước đây, khi cúng thì đốt vàng mã, đốt pháo, có loại pháo bằng ống tre, ống sắt, ống đồng, tiếng kêu vang dậy cả núi rừng.

Trong phong tục Tết Cổ truyền của dân tộc, đêm Trừ tịch (Có thể hiểu “trừ” là sự chuyển giao, “tịch” là ban đêm”). Vậy trừ tịch tức là đêm chuyển giao hay còn gọi là đêm giao thừa là vô cùng thiêng liêng vì đây là thời khắc “tống cựu nghênh tân”. Cũng theo quan niệm dân gian, sẽ có 12 vị Hành khiển tượng trưng cho 12 con giáp, mỗi năm có 1 vị cai quản việc nhân gian, bảo hộ chúng sinh và diệt trừ tà yêu; các vị thần cũng sẽ dâng tấu đến Ngọc Hoàng việc tốt, xấu của con người nơi hạ giới để luận công khen thưởng hay trừng phạt….

Ngày nay, xã hội phát triển, phong tục, tập quán ngày tết cũng có nhiều thay đổi nhưng những thuần phong, mỹ tục như tảo mộ vào cuối năm, chúc tết, tưởng nhớ, cúng tế tổ tiên vào ngày tết vẫn được các gia đình kế thừa và phát huy. Đây cũng chính là cách trở về với cội nguồn dân tộc, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của tổ tiên ta.

Phong tục trưng đào, quất, mai ngày Tết

Đào – Mai – Quất là những cây cảnh không thể thiếu trong dịp Tết. Ở miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về, đào quất bày bán khắp các chợ và các đường phố. Màu hồng đỏ rực rỡ của hoa đào vừa tạo không khí mùa xuân tươi vui, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn vào năm mới. Loại đào phổ biến nhất để trưng Tết là đào bích có bông to, nhiều cánh, màu đậm….

cay hoa cây cảnh ngày Tết mang tài lộc (10)
Hoa Mai là  loại cây cảnh ngày Tết mang tài lộc đến cho gia chủ

Bên cạnh đào thì cây quất cũng là cây trưng Tết đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Chậu quất xum xuê, có tán đẹp, những quả quát vàng, quả non, lá xanh mướt, hoa lộc đầy đủ, tượng trưng cho sự trù phú, tài lộc, ăn nên làm ra….

Còn trong miền Nam, do đặc trưng khí hậu, người dân thường chơi mai chưng Tết. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, sinh sôi nảy nở. Người dân thường chọn cây có nhiều nụ và lộc trước Tết, do quan niệm hoa mai nở đúng lúc giao thừa hay sớm mùng 1 Tết sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho gia đình trong cả năm đó. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại: 9+ loại cây cảnh chưng ngày Tết đem đến tài lộc cho gia chủ

Phong tục bày mâm ngũ quả

Bày mâm ngũ quả là phong tục quan trọng không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp đón năm mới. Tại sao lại là ngũ quả? “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng… “Quả” thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái.

cách bày mâm ngũ quả ngày tết
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền

Mỗi vùng miền khác nhau có một cách bày ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt. Ở Miền Nam, người dân thường bày mâm ngũ quả ngày Tết bao gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc, thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào tiên… tùy gia chủ

Bày mâm ngũ quả của miền Bắc thì không được thiếu nải chuối xanh – Tượng trưng cho mùa xuân, hành mộc, và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng lấy may mắn. Cũng không thể thiếu được bưởi, quả bưởi là hành thổ có ý nghĩa cầu mong phúc lộc đầy nhà. Ngoài ra, các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành hỏa, quả trắng như roi, đào là hành kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành thủy. Bày biện mâm ngũ quả đúng cách, viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành sẽ cho mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn…

Phong tục xông đất đầu năm

Xông đất xông nhà đầu năm là phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam, với quan niệm rằng trong ngày mùng Một Tết nếu được người có vận khí tốt đến nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự may mắn và an lành cho một năm.

Phong tục xông đất đầu năm là sau thời điểm giao thừa, người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì người đó là người xông đất. Thường thì gia chủ sẽ có ý định mời chọn người nào đó xông đất cho nhà mình. Vì không phải ai cũng được chọn xông đất, người được mời xông đất gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, tài đức, sự nghiệp, tính cách… với mong muốn mang lại may mắn, tài lộc, sức khỏe và bình an cho cả năm.

Hầu hết ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam, phong tục xông đất, xông nhà đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường chuẩn bị trước những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới với những lời hay ý đẹp đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ tầm khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu quá.

Một số gia đình chọn hình thức xông nhà theo cách chọn một người trong gia đình mà hiền lành, tốt vía và mát tay sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc giao thừa. Người này đi xin lộc ở chùa, đi cúng bái sau đó về nhà sau thời điểm giao thừa. Người này sẽ tự xông nhà và hứa hẹn sẽ đem lại an khang thịnh vượng cho cả gia đình. Với cách này, gia chủ sẽ không phải nhờ đến người xông nhà, tục lệ xông nhà sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, hứa hẹn một năm mới suôn sẻ và mọi sự hanh thông. Xem thêm: Những điều kiêng kỵ tuyệt đối trong ngày mùng 1 Tết 2021

Phong tục xuất hành đầu năm

Xuất hành tức là ra đi  khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, có thể bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Theo quan niệm, nếu xuất hành đầu năm đúng giờ tốt, hướng tốt sẽ giúp cả năm may mắn trong công việc, tiền tài. Thậm chí, đối với người đang đi tìm “một nửa”, hướng xuất hành đầu năm cũng được coi là giúp họ cầu duyên như ý. Người Việt còn có tục trong ba ngày Tết, dù có đi đâu, đến chiều tối cũng phải về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về, giông cho cả gia đình.

Ý nghĩa tục xuất hành đầu năm: Trong quan niệm của người xưa, lúc xuất hành phải đi vào giờ Hoàng đạo, nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không khắc. Mọi người sau khi xuất hành đều có mong muốn may mắn đầu năm, sau đó mới thực hiện các việc khác như đi trực cơ quan, đi thăm bà con họ hàng hai bên nội ngoại. Xuất hành thăm viếng họ hàng giúp gắn kết tình cảm và mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người thân và gia đình mình, cùng nhau hướng đến sự tốt lành.

Phong tục tục lì xì – Chúc thọ đầu năm

Lì xì đầu năm mới

Sáng mùng 1 Tết là thời điểm cả gia đình quây quần bên nahu, con cháu  chúc thọ ông bà, bố mẹ, bày tỏ lòng hiếu thảo và kính trọng người lớn tuổi trong gia đình. Trẻ em sẽ nhận được những phong bao đỏ lì xì đựng những tờ tiền mới để hay ăn chóng lớn, có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.

Phong tục xin chữ đầu xuân năm mới

Đã từ lâu, phong tục xin – cho chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân, là một trong những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an.

Đối với người Việt Nam, từ xa xưa, con chữ đã rất được trân trọng. Với quan niệm “có học, có kiến thức” là chạm vào cánh cửa của tương lai nên vào mỗi dịp tết đến, xuân về, người Việt thường có phong tục xin chữ và cho chữ. Sau giao thừa hay vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người sẽ chọn giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an.

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt
Phong tục xin – cho chữ đầu năm phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt

Khai bút đầu năm không chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho một năm may mắn, cát tường mà còn gửi gắm trong đó tâm tư, nguyện vọng tốt đẹp, như ý, đề cao truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Nhiều gia đình cũng giáo dục con em mình giữ gìn mỹ tục khai bút đầu năm để hướng về cội nguồn, truyền thống và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn.

Bên cạnh nhiều phong tục đẹp trong dịp tết cổ truyền của dân tộc như tục xin chữ, hái lộc đầu xuân, nét đẹp khai bút đầu xuân năm mới không chỉ nhân lên những hy vọng, mơ ước năm mới sẽ đến với thật nhiều may mắn, tốt lành mà còn tạo không khí vui vẻ, nhộn nhịp của ngày đầu xuân.

Phong tục mua muối đầu năm

Trong đời sống thường nhật từ xưa tới nay, muối giữ vị trí vô cùng quan trọng, chỉ đứng sau gạo. Theo quan điểm phong thủy, muối mặn có tác dụng chống xú uế, xua đuổi tà khí, ma quỷ và mang lại nhiều may mắn trong mỗi gia đình. Vị mặn mà của muối như tình cảm thắm thiết, mặn nồng, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, sự hòa thuận vợ chồng, con cái, sự thuận lợi trong các quan hệ làm ăn….

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ta được nghe ông bà cha mẹ hay nói cho ta nghe câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi“. Mua muối ngày đầu năm là tập tục từ xa xưa của người Việt nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc, ý nghĩa của tục lệ này.

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt
Đầu năm mua muối – phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt

Phong tục này thực hành như sau: Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no. Còn trong ngày cuối năm, người ta mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

Vì thế, sáng mùng 1 Tết hay ngay sau giao thừa, nhất là tại Bắc Bộ có nhiều người đi bán muối dạo quanh khắp cách đường làng, ngõ xóm. Tại đền, chùa, muối được bày bán kèm với hoa quả, hương đăng, vàng mã…

Ngoài ra, chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa tục mua muối đầu năm rằng là: Người Việt vốn cần kiệm nên việc mua muối đầu năm còn mang ngụ ý của cha mẹ, các bậc trưởng bối nhắc nhở hậu bối phải biết tiết kiệm, dành dụm để cuối năm có thể “mua vôi”, xây nhà xây cửa. Khi mua muối đầu năm, người bán muối sẽ đong một bát đầy, có ngọn chứ không đong vơi hay gạt ngang miệng. Bởi bát muối có ngọn mới mang lại sự trọn vẹn, giúp cả năm được may mắn, no đủ. Sau khi mang muối về nhà, có thể chia ra thành từng nhóm nhỏ, cho vào túi nilon hay túi vải, phong bao lì xì… vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Đối với những người làm công việc kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an….

Ngoài ra, đầu năm mới nhiều người còn kiêng cho nước, lửa, bởi đây là những thứ tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa, cả năm sẽ không giữ được may mắn, tài lộc. Tương tự nếu cho nước sẽ mất lộc, mất tiền tài. Không làm đổ, vỡ đồ đạc, kỵ đánh thức người khác sáng mùng 1, vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm….

Tục lệ hái lộc đầu năm

Hái lộc Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, là một trong những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam. Trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ”Tống cựu, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Theo phong tục xưa, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà. Trước đây các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ cây sanh, si, sung, đa… vốn có sức sống mạnh mẽ đem chứ không cho ai vì sợ “mất lộc”, rồi treo trước hiện hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã “rước phước lộc” về gia đình.

Nguồn gốc tục hái lộc đầu năm như sau: Theo tích xưa kể, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc. Chuyện kể rằng khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: “Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển“. Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng: Trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vì vậy không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức, tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng.

Phong tục đi chùa cầu may đầu xuân

Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt
Đi chùa đầu năm là phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt

Đi chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu vào dịp đầu xuân của mọi người dân Việt. Thông thường, sau bữa cơm tất niên ngày cuối năm, những người phụ nữ trong gia đình thường chuẩn bị lễ và đến chùa gần nhà để cầu phúc. Du xuân lễ chùa đầu năm tới nhiều điểm hành hương nổi tiếng để cầu mong gia đình được an khang, thịnh vượng đã trở thành truyền thống của người Việt từ ngàn xưa tới ngày nay.

Trên đây là Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng toát lên văn hóa, lịch sử của người Việt Nam bao đời nay. Hy vọng, với những chia sẻ của Ambeauty trên đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn đầy đủ nhất để cùng gia đình đón năm mới an khang thịnh vượng nhất.

Chúc các bạn và gia đình năm mới thật nhiều niềm vui!

Xem thêm:

=> Cúng giao thừa như thế nào? Cách cúng giao thừa Tết nguyên đán 2021

=> Hướng dẫn cách trồng thuỷ tiên nước chơi Tết

(Tổng hợp)

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *