SỨC KHỎE

Những bệnh phụ nữ mang thai dễ mắc phải

Cúm, táo bón, chảy máu chân răng… đều là những bệnh phụ nữ mang thai dễ mắc phải. Đây là giai đoạn cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm, vì thế cần được chú ý chăm sóc cẩn thận hơn.

Xem thêm:

=> Cách làm đẹp tại nhà an toàn cho phụ nữ sau sinh

=> Tác dụng của massage chân đối với sức khỏe và tinh thần không phải ai cũng biết

=> Tuyệt chiêu massage bụng đánh tan mỡ thừa giúp chị em giảm béo

Nội Dung Chính

Bệnh cúm

Cúm là một trong những bệnh phụ nữ mang thai mắc phải nhiều nhất. Đây là dạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây nên. Bệnh này có khả năng lây lan từ người sang người rất nhanh chóng, đặc biệt ở những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

nhung-benh-phu-nu-mang-thai-de-mac-phai
Phụ nữ mang thai rất dễ bị cúm

Với người bình thường, cúm thường chỉ được xem là “ốm vặt”, nhưng với phụ nữ mang thai, đây là một mối đe doạ đối với thai nhi, đặc biết là giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Bà bầu bị cúm có thể làm tăng khả năng sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu, hoặc cũng có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ… Ngoài ra, những người không biết mình mang thai, sử dụng các thuốc tân dược như kháng sinh để trị cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với thai nhi trong bụng.

Giữ tinh thần tốt, tuân thủ chế độ dinh dưỡng cân đối khi mang thai, chịu khó vận động nhẹ nhàng, hạn chế tiếp xúc với môi trường đông người, có nguy cơ nhiễm virus cúm… chính là cách để phòng ngừa cúm khi mang thai. Nếu phát hiện các triệu chứng bị cúm, thai phụ cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.

Chứng khó thở

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, khi cơ hoành phải chịu sức ép lớn của thai nhi thì mẹ bầu bị khó thở là điều không thể tránh khỏi.  Chứng khó thở này sẽ giảm đi đáng kể trong khoảng 1 tháng trước khi sinh. Ngoài ra, thiếu máu cũng có thể gây khó thở ở phụ nữ mang thai, vì thế, mẹ bầu cần chú ý hơn tới lưu lượng máu trong cơ thể.

Chuột rút

Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ bắp, gây đau, thường xảy ra ở bàn chân hoặc bắp chuối, nhất là vào ban đêm. Cơn đau bắt đầu bằng triệu chứng ngón chân quắp xuống, cẳng chân duỗi đơ ra. theo các chuyên gia thì thiếu canxi là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này ở phụ nữ có thai.

Khi bị chuột rút, chị em nên xoa bóp nhẹ nhàng bàn chân và bắp chân, sau khi triệu chứng đau, co cứng đã hết thì đứng dậy đi bộ một vòng để cải thiện lưu thông máu. Mẹ bầu cũng nên gặp bác sĩ để kiểm tra xem có cần bổ sung thêm vitamin D và Canxi hay không.

Đái rắt

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tiện thường bị đái rắt vào ban đêm. Đây không phải bệnh mà thực chất chỉ là hiện tượng sinh lý thông thường ở người mang thai. Nguyên nhân là do tử cung to dần theo sự phát triển của thai nhi, dẫn tới áp lực đè nén lên phía sau bàng quang, gây kích thích cảm giác mót tiểu ở thai phụ và kết quả là chứng đái rắt xảy ra.

nhung-benh-phu-nu-mang-thai-de-mac-phai1
Rối loạn tiểu tiện là tình trạng phổ biến ở bà bầu

Tuy nhiên, chị em cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này, bởi sau 3 tháng, khi tử cung to lên, vượt ra khỏi lòng xương chậu, bàng quang không bị đè nén nữa thì hiện tượng này cũng sẽ tự hết. Trừ trường hợp hiện tượng này kéo dài quá lâu thì bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra, đề phòng nhiễm trùng đường tiết niệu.

Táo bón

Rắc rối về vấn đề đại tiện xuất hiện ở hơn 50% phụ nữ có thai, trong đó điển hình nhất là táo bón. Nguyên nhân gây táo bón trong thai kỳ là do chị em phụ nữ mang thai ít vận động, kết hợp với sự tăng lên của nồng độ hormone progesteron trong máu, gây giảm nhu động ruột, đại tràng bị thai nhi đang phát triển chèn ép khiến phân di chuyển chậm.

Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, chị em thường ăn nhiều chất bổ dưỡng, sử dụng các thực phẩm hoặc chế phẩm giàu sắt, gây nóng trong và cũng là nguyên nhân gây đại tiện khó. Táo bón khiến thai phụ mệt mỏi, khó chịu, ức chế tinh thần, dễ cáu gắt, có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí gây chán ăn… Nếu tình trạng này không được xử lý tốt sẽ khiến thai phụ thiếu dinh dưỡng, tác động xấu tới sự phát triển bình thường của thai nhi.

Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, tích cực bổ sung chất xơ chính là cách tốt nhất để phòng ngừa táo bón trong thai kỳ.

Chảy máu chân răng

Sức đề kháng của phụ nữ giảm đi khá nhiều trong thai kỳ, khiến nướu trở nên mềm và dễ thương tổn. Điều này khiến phụ nữ mang thai dễ bị các chứng bệnh răng miệng như viêm nha chu hoặc chảy máu chân răng…

Giữ gìn vệ sinh răng miệng, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng sau khi ăn và bổ sung các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp bạn bảo vệ sức khoẻ răng miệng trong quá trình mang thai.

Bệnh trĩ

Chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ, lười vận động và uống ít nước là những yếu tố khiến phụ nữ có thai dễ bị bệnh trĩ nhiều hơn. Trên thực tế, những thói quen này gây táo bón và táo bón kéo dài mới dẫn tới bệnh trĩ. Bên cạnh đó, thai phụ còn có thể bị trĩ do sự chèn ép lên đáy chậu và tĩnh mạch ở tầng sinh môn của bào thai.

Ngoài ra, một số trường hợp có sẵn trĩ dạng ẩn sẽ dễ bị lộ ra ngoài khi mang thai hoặc sau sinh. Nguyên nhân do tình trạng tử cung mở to khi sinh khiến áp lực lên khoang chậu gia tăng, gây tụ máu sưng phù tĩnh mạch hậu môn, hoặc áp lực lên ổ bụng tăng do rặn đẻ cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung nhiều chất xơ, kết hợp với tập thể dục sẽ giúp phòng ngừa bệnh trĩ khi mang thai hiệu quả./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *