TIN TỨC

Khẩn: Thiếu 13.000 đơn vị máu cấp cứu dịp Tết, Viện huyết học TW kêu gọi cộng đồng hiến máu và tiểu cầu

Khẩn: Hiện đang thiếu 13.000 đơn vị máu cấp cứu dịp Tết, Viện huyết học TW kêu gọi cộng đồng hiến máu đặc biệt là nhóm máu O và A. Nguyên do là bởi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương khiến lượng máu tiếp nhận của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giảm nghiêm trọng.

Đến nay, đã có 30 đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu với hơn 8.000 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận. Trong vòng 4 ngày (29/1 – 1/2/2021), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được hơn 1.300 đơn vị máu; trong khi đó nhu cầu máu các ngày bình thường cần cung cấp là 1.200 – 1.500 đơn vị. Cả tuần trước khi nghỉ Tết (1 – 7/2/2021), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng chỉ dự kiến tiếp nhận được 3.000 đơn vị máu.

Xem thêm:

=> Một miếng bánh chưng chứa 150 kcal, béo hơn ăn một bát cơm trắng

=> Báo động: Tỷ lệ ung thư Việt Nam tăng 7 bậc trên bản đồ ung thư thế giới năm 2020

=> Công nghệ làm thuốc giả trích ly siêu âm để ăn cắp hoạt chất trong dược liệu

Hiến máu không chỉ ý nghĩa mà còn tốt cho sức khỏe
Thiếu 13.000 đơn vị máu cấp cứu dịp Tết, Viện huyết học TW kêu gọi cộng đồng hiến máu và tiểu cầu

Tính đến 9h sáng 2/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ còn 7.500 đơn vị máu. Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố (với diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân).

Trước đó, vào ngày 7/12/2020, Công đoàn Y tế Việt Nam đã ban hành công văn số 379/CĐYT gửi Công đoàn cơ sở trực thuộc về việc tham gia hiến máu tình nguyện trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hưởng ứng phát động này, ngành y tế của nhiều tỉnh, thành phố và các bệnh viện tại Hà Nội cũng đã dự kiến kế hoạch tổ chức hiến máu. Tuy nhiên, dịch bùng phát cũng khiến các đơn vị này phải ưu tiên công tác phòng chống dịch.

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Áp lực tiếp nhận và cung cấp máu vào trước, trong và sau Tết luôn là nỗi lo thường trực cho các cơ sở truyền máu; nhất là đối với các chế phẩm có thời hạn bảo quản ngắn như khối tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ 3 – 5 ngày.

Kỳ nghỉ Tết dài và dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã khiến nỗi lo càng trầm trọng hơn. Với kế hoạch tiếp nhận máu hiện tại, Viện còn thiếu khoảng 13.000 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị dịp trước, trong và sau Tết”.

Hiến máu là gì? Tại sao phải hiến máu?

Cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Nói cách khác, khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, nguồn máu được bồi hoàn vào là hoàn toàn từ người hiến máu.Chính vì thế, hiến máu được xem là một nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng, là việc ý nghĩa thiết thực mà một người có thể làm để giúp ích cho người khác.

Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu. Máu gồm có huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại.Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu. Đời sống của hồng cầu là khoảng 90 ngày, dài nhất trong các tế bào máu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để một hồng cầu sinh ra, thực hiện chức năng và bị tiêu hủy trong gan, lá lách.

Nói một cách khác, mọi hồng cầu lưu hành trong máu đều lần lượt được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng với người nhận lại là một “nguồn sống” mới.

Ngoài ra, các thành phần khác của máu cũng được sử dụng sau khi hiến như tiểu cầu, huyết tương… Tuy nhiên, số lượng các trường hợp hiến hồng cầu vẫn chiếm chủ yếu.

Hiến máu không chỉ ý nghĩa mà còn tốt cho sức khỏe

Hiến máu có thể cứu người, bên cạnh đó hiến máu cũng có nhiều lợi ích cho người hiến tặng. Dưới đây, Ambeauty sẽ chia sẻ những lý do hàng đầu khiến bạn nên hiến máu.

Chính nhờ chu kỳ sinh lý của máu, hiến máu hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe nếu thể tích máu hiến phù hợp với thể trạng cũng như tần suất hiến hợp lý.

Thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn. Đây chính là những lý do ít người biết về ý nghĩa đem lại cho người đi hiến máu. Các lợi ích này gồm:

– Giúp kích thích khả năng tạo máu: Thể tích máu được ước tính là chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Như vậy, một người trưởng thành nặng trung bình 50kg sẽ có lượng máu khoảng 5000 ml. Tuy nhiên, quy định hiến máu mỗi lần là không quá 9 ml/kg (tức khoảng 450 ml) và cũng không quá 500 ml trong một lần hiến. Vậy nên, lượng máu cho đi là không quá nhiều.

Hơn thế nữa, khi một lượng máu trong cơ thể bị mất đi, hệ thống tủy xương sẽ có phản ứng tạo ra nguồn máu mới. Chính điều này giúp máu trong cơ thể có cơ hội được thay đổi, chất lượng hồng cầu được trẻ hóa nên sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Thực tế, chỉ có phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản mới có quá trình mất máu sinh lý mỗi tháng do chu kỳ kinh nguyệt. Còn lại các đối tượng khác như nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các tế bào hồng cầu được thay mới một cách chậm chạp, khả năng ứng phó với sự mất máu sẽ kém đi nếu thiếu máu đột ngột xảy ra. Chính vì thế, đi hiến máu định kỳ là một dịp để nguồn máu trong huyết quản trở nên tươi mới hơn cũng như hệ tạo máu thường xuyên được trau dồi.

Hiến máu không chỉ ý nghĩa mà còn tốt cho sức khỏe
Hiến máu không chỉ ý nghĩa mà còn tốt cho sức khỏe

– Thải sắt: Khi đủ ngày, hồng cầu trở nên già hóa và bị tiêu hủy. Tuy nhiên, thành phần sắt trong nhân hồng cầu lại được tái sử dụng để tổng hợp ra hồng cầu mới. Như vậy, lượng sắt trong cơ thể nhìn chung là không bị hao hụt, trong khi cơ thể chúng ta lại được bổ sung chất sắt mỗi ngày thông qua nguồn thực phẩm. Hệ quả là nếu chu trình chuyển hóa sắt không thuận lợi, sự ứ trệ chất sắt tại các nội tạng như tim, phổi, gan, thận… sẽ gây ra bệnh lý. Chính vì vậy, khi đi hiến máu, bạn sẽ hiến cả chất sắt. Đây gián tiếp là một hành động thải sắt, giảm nhẹ gánh nặng sắt tồn dư tại các cơ quan.

– Được khám sức khỏe: Khám sức khỏe trước khi đi hiến máu là một điều bắt buộc ở mỗi cá nhân. Bạn phải đủ tiêu chuẩn về tuổi tác và cả các điều kiện về thể lực theo giới mới được phép hiến máu. Theo đó, bạn sẽ được lấy số đo cân nặng, chiều cao, chỉ số mạch và huyết áp. Tiếp theo, bạn sẽ được một bác sĩ thăm khám trực tiếp nhằm đảm bảo bạn không mắc các bệnh lý nội khoa nặng khác như suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu mãn tính, bệnh ác tính…

Cuối cùng, nếu bạn được chấp nhận hiến máu chứng tỏ bạn có sức khỏe về mặt cơ bản là bình thường. Như vậy, mỗi lần đi hiến máu xem như là một cơ hội được khám sức khỏe miễn phí, bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn nếu có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch…

– Được xét nghiệm nhóm máu và các bệnh lý truyền nhiễm thông thường: Mọi đơn vị máu trước khi được sử dụng phải được xét nghiệm xác định nhóm máu và các bệnh lý truyền nhiễm thông thường. Nếu phát hiện thấy bất thường, túi máu đó sẽ bị loại ra. Các kết quả của những xét nghiệm này sẽ được thông báo với người hiến máu.

Nói một cách khác, đi hiến máu cũng là một cách để biết mình thuộc nhóm máu gì, mình có mắc các bệnh truyền nhiễm nào hay không. Không ít một số trường hợp đã được phát hiện ra bệnh, điều trị sớm nhờ từng đi hiến máu.

– Tạo ra niềm vui trong cuộc sống: Một giọt máu trao đi không chỉ giúp ích cho người bệnh mà còn là một liều thuốc tinh thần cho chính bản thân người được hiến.

Dù sau khi hiến máu, sự thiếu máu tạm thời có thể khiến bạn cảm giác mệt mỏi nhẹ. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ tồn tại trong ngày hôm đó. Chỉ cần bạn nằm nghỉ một chút sau khi hiến xong, làm việc nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc, lượng máu sẽ nhanh chóng hồi phục. Hơn nữa niềm vui khi thực hiện một hành động đẹp sẽ khiến bạn cảm thấy phấn chấn, trở nên hạnh phúc hơn, yêu đời hơn.

Do tình hình dịch Covid-19, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiếm máu (đặc biệt là nhóm O và A) và hiến tiểu cầu từ nay đến hết tháng 2/2021; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.

Tại các điểm hiến máu, các biện pháp phòng chống dịch được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận máu thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.

Các địa điểm hiến máu hiện nay:

– Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), Thời gian: Từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

– Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội ở địa chỉ: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 2 đến thứ 7.

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *