KHÁM PHÁ

Lễ hóa vàng là gì? Nghi lễ và văn khấn lễ hóa vàng đầy đủ nhất

Lễ hóa vàng là phong tục truyền thống của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Thế nhưng từ “hóa vàng” nghe có vẻ quá xa lạ. Bạn có biết thực chất cúng hóa vàng là gì và mâm cơm hóa vàng ngày Tết gồm những món gì, bài khấn ra sao không? Vậy lễ hóa vàng là gì? Nghi lễ và văn khấn lễ hóa vàng đầy đủ nhất sẽ được Ambeauty chia sẻ trong nội dung bài viết nhé!

Xem thêm:

=> Đây là 9+ loại cây cảnh chưng ngày Tết đem đến tài lộc cho gia chủ

=> Những phong tục truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam

=> Sự tích và nghi lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất

Lễ hóa vàng là gì_ Nghi lễ và văn khấn lễ hóa vàng đầy đủ nhất
Lễ hóa vàng là gì? Nghi lễ và văn khấn lễ hóa vàng đầy đủ nhất

Nội Dung Chính

Cúng hóa vàng là gì và cúng vào ngày nào?

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam ta, vào ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời; chiều 30 Tết, sẽ bày biện bàn thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh mứt và một mâm cỗ cúng tất niên; đêm giao thừa sẽ sắp xếp mâm cơm cúng như một hình thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Do đó, các đồ lễ như: mâm ngũ quả, bánh, mứt… (trừ đồ mặn, dễ hỏng) sẽ được giữ nguyên trên bàn thờ cho đến ngày lễ hóa vàng. Các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng làm lễ hóa vàng.

Và sau khi hết Tết, trong khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 7 âm lịch, các gia đình sẽ tiến hành cúng hóa vàng để đưa tiễn ông bà. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 7 là của trước đây. Ngày nay, chúng ta bận rộn hơn nên khoảng thời gian cúng hóa vàng cũng được linh động hơn. Bạn có thể chọn bất cứ ngày nào trong khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 10 để làm mâm cơm hóa vàng ngày Tết. Vì thời gian linh hoạt nên các gia đình có thể chọn ngày nào mà con cháu có thể sum vầy đông đủ nhất để con cháu cùng nhau đưa tiễn ông bà.

Trong lễ cúng này sẽ có phần khác biệt đôi chút so với khi cúng các ngày bình thường. Gia chủ sẽ tiền hành hóa vàng – tức là đốt các giấy tiền, vàng mã và một số vật dụng khác. Việc hóa vàng được thực hiện khi nén nhang cúng ở bàn thờ ông bà tổ tiên sắp cháy hết.

Ý nghĩa của lễ hóa vàng

Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên, hay lễ tạ năm mới. Tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

Bên cạnh đó, lễ hóa vàng cũng chính là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông.

Mâm cơm hóa vàng ngày Tết bao gồm những gì?

Tuy cũng là mâm cúng nhưng cách chuẩn bị và những món cần có trong mâm cúng hóa vàng ngày Tết lại rất khác so với mâm cỗ cúng tất niên và cũng rất khác với những món ăn thường có trong mâm cơm ngày Tết.

Mâm cúng mặn lễ hóa vàng

Dù là bất kỳ mâm cúng nào đi nữa thì một mâm cúng với đầy đủ thịt, rau củ luôn là cần thiết. Những món ăn trong mâm cơm hóa vàng ngày Tết không cố định nên bạn có thể chọn những món ăn nào mà ông bà tổ tiên ngày trước thích ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn nấu những món trong danh sách 10 món ăn ngày tết đặc trưng của người Việt cũng được nhé.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì bạn nên chuẩn bị mâm cơm hóa vàng ngày Tết có đầy đủ những món sau:

– Gà luộc – Món ăn phải có trong mâm cơm hóa vàng ngày Tết: Ý nghĩa của gà luộc trong văn hóa của người Việt Nam là tượng trưng cho sự tốt lành và một tương lai tốt đẹp. Ngoài ra, con gà còn gắn liền với 5 đức tính của người dân Việt: Văn – Võ – Dũng cảm – Nhân hậu – Trung tín. => Bật mí “tuyệt chiêu” luộc gà ngon vàng ươm, da căng bóng để thắp hương

– Bánh chưng: Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết dù là mâm cơm hàng ngày hay là các mâm cúng. Nhưng đó là đối với người miền Bắc. Còn người miền Nam, thay vì chuẩn bị nguyên liệu và học cách gói bánh chưng ngày Tết thì họ lại gói và chưng bánh tét. Bánh chưng có tầm quan trọng như vậy là vì nó bắt nguồn từ câu chuyện “Bánh chưng bánh giầy” từ thời vua Hùng xa xưa. Ngoài ra, bánh chưng đặc biệt ý nghĩa hơn là vì nó được làm từ những nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam và có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu. Xem thêm: Độc đáo cách làm bánh chưng bánh tét ngũ sắc rước tài lộc vào nhà đón Tết

– Giò lụa/giò thủ: Giò lụa hoặc giò thủ là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng không chỉ trong dịp Tết mà dù là những ngày thường cũng vậy. Bởi vì mùi vị của nó rất dễ ăn, có thể ăn được cả khi nóng hay nguội hoặc cả khi cho vào tủ lạnh thì vẫn ăn rất ngon. Tham khảo: Cách làm chả lụa, giò lụa hoa ngũ sắc đẹp mắt

– Dưa hành, củ kiệu: Khi mâm cúng hóa vàng ngày Tết đã có bánh chưng xanh thì làm sao có thể thiếu được củ kiệu, dưa hành giòn ngon để ăn kèm. Theo như người xưa thì cách làm củ kiệu, dưa hành ngon nhất là để chúng lên men càng lâu càng tốt. Tức là nếu củ kiệu, dưa hành bạn ngâm càng lâu thì lại càng ngon.

Ngoài những món ăn này thì bạn có thể nấu những món mới để đỡ ngán như: canh măng khô hay lòng gà xào dứa,…

Mâm cúng chay lễ hóa vàng

Vì ngày cúng hóa vàng không phải là ngày rằm hay ngày 30, mùng 1 nên việc chuẩn bị mâm chay để làm mâm cơm hóa vàng ngày Tết là không bắt buộc. Bạn có thể lựa chọn giữa mâm cúng chay hoặc mâm cúng mặn tùy vào cách thức và mục đích ăn uống của gia đình bạn cũng như là của ông bà tổ tiên đã khuất.

Đối với mâm cúng chay, các món ăn cần chuẩn bị gồm có những ăn món đảm bảo đủ vị như mâm cúng mặn như canh – mặn – xào. Bạn có thể tham khảo những món ăn sau đây để làm mâm cúng chay:

– Rau củ xào chay
– Canh rau củ nấu nấm ngũ sắc
– Xôi gấc đậu xanh
– Gỏi xoài chay
– Đậu hũ kho nấm rơm
– Chả giò chay chiên…

Mâm ngũ quả

Đây là thứ không thể thiếu ở các gia đình, đặc biệt là các gia đình có bàn thờ thờ cúng tổ tiên. Mâm ngũ quả với đủ màu sắc với ý nghĩa cầu mong sự sung túc, may mắn và tài lộc trong năm mới. Và theo như phong tục thì người Việt sẽ chưng mâm ngũ quả trong suốt những ngày Tết.

Vậy nên, đến ngày làm mâm cơm hóa vàng ngày Tết để cúng, nếu bạn muốn có một mâm ngũ quả độc lạ, khác biệt so với trước nay thì có thể tham khảo qua cách bày biện mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền nhé. Mỗi vùng miền có những loại trái cây khác nhau trong mâm ngũ quả và mâm ngũ quả mỗi miền cũng mang những ý nghĩa khác nhau.

Hoa tươi: Tuy không mang một ý nghĩa đặc biệt riêng cho ngày lễ hóa vàng nhưng hoa tươi sẽ luôn có mặt trong mâm cúng. Lý do là vì hoa tươi có nhiều sắc màu, hoa tươi là biểu tượng của sự sống. Vì thế, cúng hoa tươi sẽ thể hiện hy vọng của gia chủ về sự tươi mới, sức sống tràn trề trong dịp năm mới này.

Cây mía: Nghe có vẻ khác lạ đúng không, nhưng thực chất cây mía được hóa vàng cùng với giấy tiền, vàng mã. Theo tục xưa, 2 cây mía được xem như 2 chiếc đòn gánh. Đòn gánh này khi đốt xuống cõi âm thì ông bà tổ tiên sẽ dùng đó để gánh vàng. Nó cũng sẽ trở thành vũ khí để chống lại lũ quỷ khi chúng có ý đồ cướp tiền vàng.

Trầu cau, đèn nến và nhang:  Theo truyền thống của người Việt ta từ xưa đến nay thì trầu cau thường có mặt trong các mâm cỗ, các đám tiệc. Và đặc biệt, người Việt Nam, nhất là ông bà lớn tuổi sẽ có thói quen ăn trầu cau. Vậy nên, trầu cau cũng là một món cần có trong mâm cơm hóa vàng ngày Tết. Ngoài ra, lễ cúng thì cũng không thể thiếu được đèn, nén và đặc biệt là nhang. Vậy nên, bạn cần chuẩn bị đủ những vật dụng này nhé.

Vàng mã tiền giấy: Vì là cúng hóa vàng nên không thể nào thiếu được giấy tiền và vàng mã. Việc đốt giấy tiền vàng mã là một hình thức thể hiện sự hiếu thảo và lòng thương nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Theo như quan niệm từ xa xưa, người ở cõi âm cũng sẽ cần những vật phẩm như tiền, vàng,… để sử dụng như khi còn sống. Tuy là vậy nhưng không phải bạn đốt càng nhiều thì sẽ càng tốt, càng thể hiện được lòng hiếu thuận của mình. Chỉ cần đốt số lượng vừa đủ là được vì nếu đốt quá nhiều sẽ gây tác động xấu đến môi trường.

Điều bạn cần lưu ý khi hóa vàng là thứ tự hóa vàng cho người đã khuất. Bạn nên hóa vàng theo vai vế của người đã mất. Tuy nhiên, nếu có người mới mất trong năm vừa qua thì người đó sẽ được hóa vàng cuối cùng. Ngoài ra, lúc hóa vàng xong thì người Việt còn có phong tục tưới rượu lên phần tro của giấy tiền, vàng mã. Người xưa nói rằng làm như vậy thì người ở cõi âm mới có thể nhận được.

Lễ hóa vàng là gì_ Nghi lễ và văn khấn lễ hóa vàng đầy đủ nhất (1)
Lễ hóa vàng là phong tục truyền thống của người dân Việt Nam từ xưa đến nay.

Bài văn khấn cúng hóa vàng

Tham khảo bài khấn theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” – NXB Văn hoá Thông tin như sau:

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần).

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch tôn thần.

Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng …, tháng Giêng, năm Tân Sửu.

Chúng con là: …, tuổi: …

Hiện cư ngụ tại: …

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Có thể thấy, dù đã có ít nhiều thay đổi trong cách chuẩn bị đồ lễ, thời gian thực hiện, song cho đến nay, phong tục hóa vàng sau Tết vẫn giữ được những nét truyền thống.

Và để phong tục hóa vàng sau Tết mãi là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, tránh việc đốt vàng mã số lượng lớn, đốt bừa bãi, gây lãng phí, hủy hoại môi trường./.

Tổng hợp

Loan Pham

Hello! Xin chào tất cả các bạn đọc của AMBEAUTY. Hiện Pham đang phụ trách tổng hợp thông tin kiến thức về thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe để chia sẻ tới bạn đọc. Hãy cùng Pham like và chia sẻ những thông tin hữu ích tới bạn bè và người thân nhé! Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *