KHÁM PHÁ

Ý nghĩa nghi thức thắp hương (nhang) trong đời sống tâm linh người Việt

Từ lâu, nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Vậy thắp hương có ý nghĩa gì? Hãy cùng Ambeauty tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

Nghi lễ thắp hương trên bàn thờ gia tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ, ngày rằm mồng một, các ngày lễ Tết của người Việt Nam. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương trầm đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Còn trong tâm thức mỗi người Á Châu đều tin rằng nén hương khi đốt lên là một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Nhưng có nhiều người vẫn còn hiểu một cách mơ hồ, nhất là về ý nghĩa nghi thức thắp hương theo truyền thống của ông bà ta.

Xem thêm:

=> Cách cúng ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng và những lưu ý từ A-Z

=> Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam

Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm
Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm

Nội Dung Chính

Dâng hương (thắp hương) là gì?

Mỗi nén hương được đốt lên là một thông điệp của trần gian gửi gắm đến đất trời, tổ tiên, ông bà của mình, nó cũng làm gia đình trở lên ấm áp, lòng người cảm thấy thanh thản hơn.

Ở đây, chúng ta dùng từ “dâng hương” bởi lẽ “Dâng” có nghĩa là đưa lên một cách cung kính, tiếng Anh gọi là “offering”. Và từ “Hương” có nghĩa là mùi thơm, thông thường là một vật dùng đốt lên để cúng các đấng thiêng liêng, cũng được gọi là nhang và trầm, tên tiếng Anh là “incense” – từ này bắt nguồn từ ngôn ngữ Latin, và động từ incendere có nghĩa là thắp cháy lên.

Thông thường, người ta thắp hương/dâng hương là để khẩn thiết cúi đầu mong tấm lòng thành kính của mình sẽ quyện theo làn khói thơm hướng về với cõi thiêng liêng hoặc xông lên tận ngai vàng cõi Trời Phật. Lời khấn cầu của người thắp hương sẽ hòa vào làn khói hương trầm truyền đến người nghe lời cầu. Trời Phật sẽ cảm nhận được ước nguyện của người cầu.

Lịch sử của việc thắp nhang (hương)

Theo các nguồn tư liệu ghi lại, việc thắp nhang từ khoảng năm 3700 (trước Công Nguyên) (tức là cách đây khoảng 5700 năm), bắt nguồn từ Ấn Độ. Đến năm 618 (sau Công Nguyên) thì vào đời nhà Tần mới có một vị Tăng Lữ đem nhang trầm hương sang Trung Quốc, từ đó mà hình thức đốt nhang được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh.

Sau đó được phổ biến đến khắp các nước láng giềng phương Đông. Đặc biệt hình thức đốt hương trầm phổ biến nhất ở quốc gia Nhật Bản, tại đây họ lại chế thêm nhiều cách đốt nhang thảo dược, hay còn gọi là Hương đạo – Nghệ thuật thưởng thức hương trầm độc đáo của người Nhật Bản. Sản phẩm quen thuộc nhất là nén hương trầm hình tròn đầu nhọn vào thế kỷ XVII, đến ngày nay vẫn còn sử dụng. Trong nhiều tài liệu sử học cho thấy việc đốt nhang đã có từ thời sơ khai. Trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập cổ đại có rất nhiều những hình vẽ hoặc hình chạm khắc trên tường mô tả nghi thức này.

Thắp mấy nén hương? Khi nào thắp 1-3-5-7-9 nén hương?

Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm
Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm

Người Việt Nam ta khi thắp hương thường hay chọn số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm hương chứ không bao giờ thắp hương theo số chẵn như 2, 4, 6, 8. Theo quan niệm, các số lẻ 1, 3, 5… còn gọi là số dương đem đến sự may mắn và số chẵn là số âm mang vận xui xẻo. Vậy cụ thể, khi nào thắp 1-3-5-7-9 nén hương?

Thắp 1 nén hương: Khi đến đền chùa chúng ta chỉ cần thắp một nén nhang là đủ. Nén nhang đó được gọi là tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa 5 sắc hương như sau:

– Giới hương: Tự nhắc nhở mình phải sống hướng thiện để tâm luôn trong sáng
– Định hương: Giữ cho tâm yên ổn không bị cái xấu quấy phá
– Tuệ hương: Làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương
– Tri kiến hương: Giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ
– Giải thoát hương: Giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi và một phần phòng tránh hỏa hoạn hay ô nhiễm.

Khi ở nhà, vào buổi sáng nhiều gia chủ thường thắp một nén nhang trầm cúng ông Thần Tài, ông Địa. Số 1 là số dương – ý chỉ là người sống thành tâm cầu thần linh, cầu mong thần linh phù hộ cho người mua may bán đắt hay được an lành, may mắn. Vì vậy ở nhà chúng ta thắp 1 nén hương là để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình và mong muốn lòng thành ấy đến được với các vị Thần Phật, Gia Tiên…

Thắp 3 nén hương: Con số 3 là số dương. Trong Phong thủy thì số 3 là tượng của tam giới: Thiên (Trời), Địa (Đất), Nhân (Người). Vì vậy khi làm những việc quan trọng trong đời thì người ta thường thắp 3 nén hương lên bàn thờ và khấn: “Hoàng Thiên (Trời), Hậu Thổ (Đất), những chiến sĩ trận vong, cô hồn… (Nhân ) phù hộ độ trì…và có nhiều quan niệm khiến nhiều người thắp 3 nén hương, cụ thể là:
– Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng
– Tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới
– Tam thời: Quá khứ – Hiện tại – Vị lai
– Tam vô lậu học: Giới – Định – Tuệ

Thắp 5 nén hương: Năm nén hương được gọi là Thiên địa ngũ hành hương hay còn gọi là m dương ngũ hành hương. Con số 5 ở đây tượng trưng cho năm phương trời đất, năm hướng thần linh.

Thắp 7 nén hương: Bảy nén nhang được gọi là Bắc đẩu Thất tinh hương với tên gọi theo thứ tự là Thiên Xu – Thiên Toàn – Thiên Cơ – Thiên Quyền – Khai Dương – Ngọc Hoành – Giao Quang là những vị thần linh cai quản tam giới. Thắp 7 nén hương (nhang) cùng lúc là để mời gọi Thần linh, Thiên tướng.

Thắp 9 nén hương: Theo các chuyên gia về phong thủy thì thắp 9 nén hương được gọi là Cửu cửu liên hoàn hương, cắm nhang theo thứ tự 3 hàng và 3 cột. Ở trên là mời Ngọc hoàng thượng đế, ở dưới là mời Thập điện Diêm vương. Thắp hương với 9 nén là mang tín hiệu để cầu cứu, chủ yếu rơi vào trường hợp bất đắc dĩ và hầu như không có sự trợ giúp của con người thì mới nên sử dụng.

Ý Nghĩa của nén hương trầm trong Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo

Nhang trầm đối với Phật Giáo

Trong các nghi lễ của Phật giáo Việt Nam và các quốc gia theo đạo Phật, hương nhang là một trong 6 lễ vật phẩm dâng cúng, bao gồm có: Hương, Hoa tươi, Đăng, Trà, Quả, Thực (Nhang, Bông, Đèn, Trà, Trái, Thức ăn).

Tuy nhiên có rất nhiều người không rõ về ý nghĩa sâu xa của việc cúng Phật nên bày biện đủ thức ăn uống như yến tiệc, thật là phí của, phí công mà lại còn làm sai lệnh ý nghĩa. Không lẽ Phật sẽ lên trên bàn thờ mà ăn từng trái táo, uống từng chung trà sao?

Hiểu đúng: Theo quan niệm của Phật giáo, lòng thành chỉ cần thể hiện chính là qua làn khói hương nghi ngút, không cần phải bày vẽ cỗ bàn yến tiệc đầy thịt cá, lợn quay linh đình… vì đúng ý nghĩa sự Cúng Phật thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ.

Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm
Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm

Không phải ngẫu nhiên mà có 5 thứ hương dùng để cúng dường chư Phật là: Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương

Vì Bồ Tát không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm của tất cả chúng ta. Vì thế, thay vì những nén hương trầm dùng ngọn lửa nóng để đốt lên, chúng ta còn có thể dùng đức tin, tâm hướng thiện của mình thắp lên những nén tâm hương – Hương từ trong tâm.

Hương trầm đối với Thiên Chúa giáo

Không chỉ đối với Phật giáo, mà cả các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa giáo ở các quốc gia Tây phương cũng dùng nén hương trong các ngày lễ của mình. Người Thiên Chúa giáo xông hương trầm trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cửu của người đã mất… Trước thời Chúa Jesus, những hương liệu như loại trầm hương frankincense có giá trị hơn cả vàng bạc châu báu. Đó là vì cổ nhân tin rằng những loài cỏ cây thơm là do chư Thiên ban cho từ trên cao và đã thấm nhuần hương thơm của Đức Chúa Trời.

Có nhiều tài liệu ghi rằng, Chúa Jesus khi giáng sinh, có ba vị vua đem ba thứ châu báu quý nhất trong nước thời đó để dâng lên cho ngài bao gồm: Vàng – Hương Trầm – Dầu thơm từ rễ cây Myrrh. Điều này cho thấy hương nhang trầm từ xa xưa vốn đã được xem như một vật quý giá thiêng liêng. Khói hương hòa vào không khí khiến cho không gian vạn vật xung quanh đều được thơm ngát, ví như tâm hành “Tùy thuận chúng sinh” của các bậc thần linh vậy.

Hương trầm đối với Ấn Độ giáo

Ấn Độ giáo (hay còn gọi là Hinduism) dùng hương trầm để thư giãn và tập trung hơi thở những lúc ngồi Thiền. Trái lại, theo Khổng giáo thì khói hương tượng trưng cho Đại Trượng Phu – chỉ bay lên chứ không bao giờ lặn xuống.

Hương nhang trầm không có màu sắc nhưng luôn thơm ngát, như câu “Tự tại trong hành xứ, như chim giữa hư không, tìm dấu chân không thấy”. Như mùi hương vô sắc phảng phất thơm lừng, bậc tĩnh lặng sống tự tại giữa đời, đem lại an lạc và lợi ích cho đời người nhưng không lưu lại một dấu tích danh sắc nào trên bia ký. Rời khỏi cuộc đời này, có chăng chỉ là một khoảng không gian ngát hương: mùi hương của loại hương thảo mộc bay ngược chiều gió!

Tại Việt Nam, ở nhiều tỉnh thành thuộc Nam Bộ, người dân còn thắp hương cho từng gốc cây, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh của nó, cũng như là thần thánh, hoặc vong hồn, hương linh hút vào sức lực để hiển linh.

Một điều chúng ta phải cần ghi nhớ là mỗi lần dâng hương trước bàn thờ gia tiên hay bàn thờ Phật: không những dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có chánh niệm. Nên cắm từng nén hương trầm với hai tay và cắm sao cho cho ngay thẳng – tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không thay đổi, giữ nguyên phong cách của người quân tử với tấm lòng trong sạch lưu lại tiếng đẹp với đời tỏa thơm khắp nơi nơi.

Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm
Ý nghĩa nghi thức thắp hương thắp nhang trầm

Ngày Tết cổ truyền ở nước ta, thiếu thứ gì cũng được nhưng nhất thiết phải có bánh chưng (Tham khảo: Độc đáo cách làm bánh chưng bánh tét ngũ sắc rước tài lộc vào nhà đón Tết) và nén hương thơm để cúng ông bà, tổ tiên. Nhất là với những người con xa quê, mỗi dịp về thăm quê hương, dịp giỗ, tết bao giờ cũng nhớ mua vài bó nhang trầm về dâng lên ban thờ và thắp những nén hương trầm thơm ngát. Cảm giác nén hương trầm toả ra mùi thơm ngào ngạt như sợi dây máu thịt nối liền giữa người đang sống với vong linh những người đã khuất. Như câu ca dao xưa:

“Vẫn còn đây những lời ru
Vờn bay phảng phất cho dù tháng năm
Tổ tiên một nén nhang trầm
Nối dòng máu đỏ âm thầm thiết tha”

Nén hương tưởng chừng rất nhỏ bé mỏng manh, nhưng không thể thiếu được trong đời sống của chúng ta, đặc biệt trong văn hóa Á Đông và trong đời sống tâm linh của người dân Việt dù đang sống tại quê hương hay ở nơi phương xa, đất khách quê người.

(Tổng hợp)

Shizuka

Shizuka xin chào các độc giả của Ambeaty! Hy vọng những thông tin mà Shizuka lượm nhặt để gửi tới bạn đọc sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng mong nhận được các góp ý của bạn đọc dành cho các nội dung Shizuka update trên trang web.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *